Lễ hội đền Đồng Bằng trong không gian tháng 8 Khánh tiệc Đức Thánh Trần

04/09/2023 10/09/2023 3540 0
Trong văn hóa đạo Mẫu, tháng 8 Khánh tiệc Đức Thánh Trần (giỗ Cha) từ lâu đã trở thành nét đẹp tâm linh mang bản sắc dân tộc được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Lễ hội đền Đồng Bằng là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với tâm thức "tháng Tám giỗ cha" của người dân trong vùng, vừa là Giỗ đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vừa là Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hàng năm, du khách thường trảy hội đền Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương ngày 20/8 rồi xuôi dòng đổ về trảy hội đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) từ ngày 20 - 26 tháng Tám (âm lịch).

Ảnh Tam quan đền Đồng Bằng

Dân gian có câu ca rằng:

“Dù ai buôn xa bán xa

20 tháng 8 giỗ cha thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

25 tháng 8 nhớ về Ðào thôn”.

Đền Đồng Bằng là di tích lịch sử có kiến trúc nghệ thuật và có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật kiến trúc gỗ tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng nay là thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Năm 1986, di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 16/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm, chiêu dân, lập ấp, xây dựng giang sơn, xã tắc từ buổi sơ khai. Đây cũng là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng nhà Trần có công lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng ba lần đánh quân Nguyên - Mông.

Lễ hội đền Đồng Bằng có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân và du khách thập phương. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao, pha trộn và đan xen nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ thủy thần đến thờ Cha, thờ Mẹ, thờ Anh hùng dân tộc và Anh hùng văn hóa.Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội (từ 20 - 26/8 ÂL), ngoài các nghi lễ trang nghiêm như diễn xướng hát văn hầu đồng, tế lễ, người dân và du khách còn được thưởng lãm và tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: bơi chải, kéo co, cờ tướng, đấu vật, chọi gà...

Kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Đồng Bằng năm 2023

Thuỳ Dương

Map

Sample Plan