Đồng chí Phạm Hồng Thái - Huyện ủy viên - Phó Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng buổi lễ
Đình Mỹ Ngọc là nơi thờ vị thành hoàng Đức Vua Bà Nguyệt Tĩnh thái Trưởng công chúa linh thánh đại vương. Theo thần tích, Đức Vua Bà Nguyệt Tĩnh thái Trưởng công chúa là chị cả của Cương Nghị Đại Vương (thành hoàng làng Lương cụ - hiện đang được thờ tại Đình Chồng Diêm, thôn Quỳnh Ngọc, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ). Theo đó gia đình Ngài sống vào thời Nhà Lý. Quê ở châu Bố Chánh, phủ Tân Bình, đạo Thuận Hóa. Khi lớn lên em trai Ngài là Nghị Công từ biệt gia đình đi khắp nơi tìm thầy học đạo. Khi đi đến khu Thượng, trang Quỳnh Sa, huyện Quỳnh Côi thì gặp tiên sinh họ Phạm đang dạy học, kiến thức uyên thâm nên xin vào học. Ông là người thông minh, học rộng tài cao nên được thầy giáo cùng bạn bè yêu quý. Bấy giờ đất nước có giặc Thạch An sang xâm lược vùng Hưng Hóa, Tuyên Quang của nước ta. Nhà Vua đã ban chiếu cầu hiền để đi đánh giặc. Nghị Công vào triều xin đi đánh giặc, nhà Vua biết Nghị Công là người có tài nên phong ông là Đô Thống Lĩnh Tiền Quân, ban cho 3000 binh mã đi thảo tặc. Nhưng do thế giặc mạnh, Cương Nghị bị bao vây trong thành, tình thế nguy cấp. Lúc ấy 2 chị của Nghị Công là Nguyệt Tĩnh và Quế Hoa đã vào bái kiến Vua thỉnh binh đi cứu em trai. Vua thấy 2 nữ nhi mà có tài không kém nam nhi bèn cấp cho hơn 2000 binh mã để đi giải cứu em trai. Khi đến vùng đất Hưng Hóa, Tuyên Quang, hai Bà đã lãnh đạo binh lính, dũng cảm xông pha giết giặc Thạch An, chiến thắng trở về. Nghị Công được phong là Cương Nghị đại vương, Nguyệt Tĩnh và Quế Hoa được phong là công chúa. Ba người bái tạ rồi xin về ở tại vùng đất trang Quỳnh Sa. Sau này cả ba người cùng mất tại đây; nhà Vua thương xót ban chiếu cho nhân dân lập miếu thờ tự 3 người. Theo đó: Miếu Thượng tại xã Lương Cụ thờ Cương Nghị Đại Vương; Miếu tại xã Mỹ Nhuệ thờ Nguyệt Tĩnh công chúa; Miếu tại xã Quỳnh Ngọc thờ Quế Hoa công chúa. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ngôi đình Mỹ Ngọc còn là nơi hoạt động bí mật của Đảng, của cách mạng; là nơi dạy bình dân học vụ, là địa điểm bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp của xã. Đình làng Mỹ Ngọc là công trình văn hoá tín ngưỡng dân gian, là nơi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc, địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc.
Lễ công bố Quyết định và trao bằng công nhận di tích LSVH cấp tỉnh Đình Mỹ Ngọc, xã Quỳnh Mỹ
Trải qua sự phong hóa của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh nên Ngôi Đình đã có nhiều đổi thay so với kiến trúc khi khởi dựng. Ngôi Đình hiện nay có quy mô kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế, chiều dài 7,5m, chiều rộng 4,5m được là theo kiểu hồi văn ba đấu mái chảy, lợp ngói mũi, kìm nóc đắp rồng ngậm đại bờ, chính giữa đắp mặt nhật. Phía hồi xây hai đấu, trên đấu đắp nghê chầu và 01 gian Hậu cung. Đình Mỹ Ngọc hiện còn lưu giữ được 05 đạo sắc phong, 01 bài vị thời Nguyễn, 01 quyển thần tích về vị Thành hoàng đang được thờ tại Đình cùng với hệ thống đồ thờ tự, tế khí bên trong di tích phong phú và giá trị.
Lễ hội truyền thống Đình Mỹ Ngọc, xã Quỳnh Mỹ
Với những giá trị văn hóa, lịch sử còn lưu giữ tại di tích, tháng 10/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã chính thức công nhận Đình Mỹ Ngọc, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ là di tích LSVH cấp tỉnh vào đúng dịp lễ hội truyền thống Đình Mỹ Ngọc năm 2024 và điều đó như nhân lên niềm vui, niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân nơi đây. Lễ đón nhận bằng công nhận di tích LSVH cấp tỉnh Đình Mỹ Ngọc và khai mạc lễ hội truyền thống năm 2024 hôm nay là sự kiện mang đậm ý nghĩa văn hóa, nhân văn; góp phần tích cực vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hoá truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của các tầng lớp nhân dân địa phương; đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Phụ