Tượng đài Bác Hồ với nông dân

24/12/2020

Tượng đài Bác Hồ với nông dân nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình. Bằng tất cả những đường nét hài hòa và tinh tế, hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu hiện lên như đang căn dặn các thế hệ nông dân về tăng gia sản xuất, đời sống sinh hoạt để xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, ấm no, hạnh phúc. Đáp lại tình cảm của Bác, nhóm tượng gồm các nhân vật đại diện các thế hệ người cao tuổi, trung niên, thanh niên, trẻ em nông thôn Việt Nam chăm chú lắng nghe lời dặn dò, chỉ bảo của Người.

Cùng với nhóm tượng, mặt trước của tượng đài là 3 mảng phù điêu, thể hiện phong cảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam, một số hoạt động của người nông dân, phong cảnh làng xóm gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sinh thời, Bác Hồ luôn mong mỏi làm sao đời sống của người nông dân được sung túc, ấm no. Giờ đây, điều đó đã và đang trở thành hiện thực trên mỗi làng quê Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng. Mặt sau các mảng phù điêu là hình ảnh sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước..., những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình.

Quá trình triển khai thực hiện, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Ông Trương Văn Giang, Bí thư Chi bộ tổ 11, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi dự án được triển khai. Đây là công trình gửi gắm tâm nguyện tri ân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Giờ đây, khi đã được hoàn thành, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam không chỉ là điểm đến để chiêm ngưỡng một công trình mang tính biểu tượng mà còn là nơi để mỗi người dân gặp gỡ, hồi tưởng 5 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình, khắc sâu lời căn dặn của Bác, cùng nhau “...cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Công trình sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thêm hiểu về lịch sử, về cội nguồn dân tộc và cũng là để mỗi người dân Thái Bình cùng với nhân dân cả nước được bày tỏ lòng kính yêu với Bác.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân  là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình, nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng công trình góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ những tình cảm Bác dành cho giai cấp nông dân Việt Nam, sự tôn kính của nông dân Việt Nam và nhân dân Thái Bình đối với Bác. Và với những ý nghĩa về cảnh quan - kiến trúc - văn hóa, Tượng đài Bác Hồ với nông dân  sẽ là điểm đến của du khách thập phương khi về thăm Thái Bình.

Ảnh: Bác Hồ chỉ bảo nông dân về tăng gia, sản xuất, đời sống sinh hoạt để xây dựng cuộc sống nông thôn
ngày càng văn minh, ấm no và hạnh phúc.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân. Trên con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đồng hành. Nhớ ơn công lao của Bác, những người nông dân Thái Bình hôm nay tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng. Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua sôi nổi... thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được đặt tại Thái Bình là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Thái Bình, để từ đó, mỗi người nỗ lực hơn nữa, góp phần thiết thực đưa Thái Bình trở thành “tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như điều Bác hằng mong mỏi.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, thành viên Hội đồng nghệ thuật, giám sát mỹ thuật công trình: Đây là công trình tượng đài rất độc đáo về bố cục tác phẩm. Thông thường các quần thể tượng đài được chia làm 2 lớp rõ ràng. Nhưng với Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình, hai tác giả Lê Lạng Lương và Phạm Bá Đua đã tìm ra bố cục rất sáng tạo và độc đáo để hòa nhập giữa lớp phù điêu phía sau tượng và các nhóm tượng tròn phía trước. Bên cạnh đó, ở đây còn có sự kết hợp hài hòa giữa quần thể tượng và quy hoạch kiến trúc của Quảng trường. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là một tác phẩm có quy mô rất hoành tráng, được đánh giá là một công trình đạt chất lượng cao cả về mỹ thuật và kỹ thuật. Là một người con của quê hương Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên khi được giao trọng trách giám sát mỹ thuật công trình, với chuyên môn của mình, tôi không quản ngại tuổi cao luôn bám sát quá trình thi công khi chuyển chất liệu từ mẫu phác thảo sang đá, đồng thời luôn xác định phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà quê hương Thái Bình đã giao phó, góp phần cho thành công của tác phẩm Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Bình: Hướng đi và phát triển sản phẩm du lịch của Thái Bình là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tâm linh, đây là loại hình du lịch bền vững có sức hút rất lớn. Hiện nay, quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là điểm đến mới, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương lúa nước, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao, tình yêu thương của Bác Hồ với giai cấp nông dân cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng. Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá điểm đến mới ý nghĩa, hấp dẫn trên quê hương Thái Bình. Quần thể kiến trúc văn hóa, cảnh quan trong tương lai sẽ đóng vai trò to lớn trong phát triển sản phẩm du lịch, sẽ trở thành trung tâm kết nối với các vùng sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương./.

Tú Anh

Related Post

Sample Plan