Giải đáp thắc mắc: Hợp đồng lao động đối với Hướng dẫn viên du lịch để được hưởng hỗ trợ COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

25/08/2021
Người lao động là hướng dẫn viên du lịch vẫn còn băn khoăn về vấn đề ký kết hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành phải bao gồm những yếu tố gì để đảm bảo tính hợp lệ và được thụ hưởng tiền hỗ trợ ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là gói hỗ trợ thứ 2 với tổng số tiền 26 nghìn tỉ đồng gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ, trong đó có Hướng dẫn viên du lịch (HDV).

Quyết định 23 cụ thể hoá một cách chi tiết nhất về cách thức thực hiện, thời gian tiến hành, quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết phân cấp phân quyền rõ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính.

a. Kiểm tra chính xác về điều kiện của HDVđể được nhận hỗ trợ như thế nào?

Trả lời: Tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định các điều kiện để hướng dẫn viên được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, HDV cần đảm bảo các điều kiện sau:

1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch.

2. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

b. Hợp đồng lao động là loại hợp đồng nào? Hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour, hợp đồng cộng tác viên có được hỗ trợ không? Nội dung hợp đồng không đầy đủ có được hỗ trợ không? Nội dung bảo hiểm xã hội có phải ghi trong hợp đồng lao động không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch là nghề có điều kiện, để được hành nghề hướng dẫn du lịch, người lao động cần đáp ứng 3 quy định sau: 
a) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; 
b) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; 
c) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Bộ Luật Lao động quy định người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết một trong các loại hợp đồng lao động:  
- Hợp đồng lao động ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 bao gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Việc ký loại hợp đồng lao động nào thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 22 Bộ Luật Lao động năm 2012. 
- Hợp đồng lao động ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 bao gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Việc ký loại hợp đồng nào thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ Luật Lao động năm 2019. 
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, hướng dẫn viên du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành 
ký hợp đồng lao động từ một tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 
Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. 

Theo đó, Điều 31 và Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng lao động. Bộ Luật Lao động không quy định mẫu hợp đồng lao động nhưng có quy định những nội dung chủ yếu phải có trong hợp trong hợp đồng lao động (Điều 23 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13; Điều 21 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14):  

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; 
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc; 
d) Thời hạn của hợp đồng lao động; 
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; 
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương; 
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; 
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; 
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; 
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Căn cứ các quy định trên: Các loại hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour, hợp đồng cộng tác viên có đủ nội dung theo quy định của Bộ Luật Lao động là hồ sơ hợp lệ để được nhận hỗ trợ; Nội dung bảo hiểm xã hội là nội dung bắt buộc ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, HDV không phải nộp các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội; HDV chỉ phải nộp 2 loại giấy tờ là giấy Đề nghị hỗ trợ và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ đề nghị. Trường hợp không có đủ hồ sơ, người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động của địa phương.

c.  Hướng dẫn viên du lịch có hợp đồng lao động không còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ có được hỗ trợ không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Điều này được hiểu là: hợp đồng lao động đó có thể được ký trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2021, có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ (hết ngày 31 tháng 01 năm 2022), còn hoặc không còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ.

d. Trường hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có thẻ hướng dẫn viên du lịch, tự hành nghề hướng dẫn du lịch cho khách du lịch nhưng không có hợp đồng lao động (không tự ký hợp đồng lao động với chính mình), không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, có được nhận hỗ trợ không? 

Trả lời: Theo quy định của khoản 6 Điều 44 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người lao động nếu đủ điều kiện hưởng chính sách quy định tại Quyết định này và chính sách hỗ trợ của địa phương thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất. Vì vậy, trường hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp không có hợp đồng lao động và không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hoặc chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương./.

e. HDV không có tài khoản ngân hàng có thể đăng ký nhận tiền hỗ trợ bằng tài khoản ngân hàng của người khác không?

Trả lời: Mẫu đơn Đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có ghi rõ HDV có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức: (1) Chuyển qua tài khoản ngân hàng; (2) Chuyển qua bưu điện; (3) Nhận trực tiếp. Vậy, trường hợp HDV không có tài khoản ngân hàng có thể đăng ký nhận tiền bằng 2 hình thức còn lại, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiền hỗ trợ đến tận tay người lao động. 

Căn cứ pháp lý:

- Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

- Quyết định số 23/021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

- Luật Du lịch số 09/2017/QH14;

- Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13;

- Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14;

- Công văn số 2875/BVHTTDL-KHTC ngày 12/8/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch V/v biên soạn những câu hỏi thường gặp liên quan đến chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Related Post

Sample Plan