Tổ nghề bánh cáy Nguyễn Thị Tần

20/12/2021
Kiệt tiết công thần Bảo mẫu Trinh Kiệt đại vương- Nguyễn Thị Tần (Thuỷ tổ nghề làm bánh cáy)

Nguyễn Thị Tần sinh ngày 13/01/1725 trong một gia đình quyền quý nhưng không đài các, kiêu sa, là người đàn ngọt, hát hay, công, dung, ngôn, hạnh. Từ nhỏ bà đã có tiếng nết na, hiền thục, nếp sống giản dị hoà cùng với nhịp sống của những người quê dân dã, năm 16 tuổi Bà đ­ược vua Lê Hiển Tông tuyển vào cung dạy các phi tần trông nom hoàng tử Lê Duy Vĩ.

Cổng từ đường nơi tưởng niệm thuỷ tổ nghề làm bánh cáy

Khi  Duy Vĩ có ý muốn khôi phục lại quyền lực cho nhà Lê, liền bị chúa Trịnh Sâm vu oan tống ngục. Trong thời gian Thái tử bị giam, chỉ có bà với chức phận Nhũ mẫu với đ­ược vào thăm nom. Thấy nạn cơm ngục không thể nuốt trôi, bà liền đem kinh nghiệm làm bánh chè Lam kết hợp với những gia vị nơi cung vua chế biến ra một loại bánh gọi là bánh cáy dâng lên Thái tử. Sau khi bà rời triều đình trở về quê, bà đã đem kỹ thuật chế biến “Bánh cáy truyền lại cho dân và được dân làng Nguyễn tôn là tổ nghề bánh cáy”.  

Năm Cảnh H­ưng thứ  43 (1782), vua Hiển Tông phong cho bà là Quận Phu nhân. Lê Chiêu Thống- con Lê Duy Vĩ lên ngôi, nhớ công ơn bà đã phong cho bà là Kiệt tiết công thần Bảo mẫu đại v­ương. Đến các Triều Nguyễn sau này bà được phong tặng Lê triều kiệt tiết công thần.

Toà Thiêu Hương được dựng bằng đá xanh nguyên khối

Lúc sinh thời, tổ của bà đã hưng công sửa chữa đình Thượng, xây cầu đá, mở rộng chợ, khi về làng bà lại đem ruộng, tiền giúp cho làng và các làng quanh vùng…phàm những người nghèo túng, cơ nhỡ đều được bà giúp đỡ. Bà mất ngày 05 tháng 04 năm Canh Thân (1800) được dân làng Nguyễn thờ làm Thành hoàng, ngày giỗ bà dân làng đều mở hội tế lễ.

Lăng mộ nơi an táng thuỷ tổ nghề làm bánh cáy

Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều nghề của làng Nguyễn đã theo cha ông đi vào lòng đất nhưng Bánh cáy làng Nguyễn vẫn hiện diện và ngày càng hưng thịnh. Hiện toàn xã có khoảng 350 hộ sản xuất bánh cáy thường xuyên được, một số hộ có quy mô sản xuất lớn như: Thiên Đức, Việt Hương, Hoàng Thắng, Trường Hằng. Hưng Mậu, Dân Liên.... Năm 2020 bánh cáy Thiên Đức được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Khuôn viên phía trước ngôi đền thờ có voi đá, ngựa đá

Ngày nay làng Nguyễn còn lưu giữ được các thiết chế cổ liên quan tới bà: Từ đường, đền thờ, lăng mộ tổ nghề toạ lạc tại thôn Bắc Lạng, thôn Phan Thanh, thôn Đề Quang đều có kết cấu kiến trúc trong tình trạng tốt, các đồ thờ tự được bảo lưu, giữ gìn nguyên trạng và là địa chỉ đỏ để du khách đến thăm quan, nghiên cứu  kết hợp với trải nghiệm làm bánh cáy.

Từ đường, đền thờ, lăng mộ tổ nghề Bánh cáy, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận số 2347/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 10 năm 2014 thuộc loại hình di tích lưu niệm nhân vật lịch sử./.

 

                                                                                     Minh Thu

Related Post

Sample Plan