Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch

17/10/2024
Đây là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 03 tháng 10 năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ảnh: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo, huyện Vũ Thư.

Theo Nghị quyết 09-NQ/TU, những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quyết định số 147/QÐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch Thái Bình đã có bước phát triển với một số kết quả tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của du lịch được nâng lên. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư. Tiềm năng, lợi thế về du lịch từng bước được phát huy; đã hình thành một số khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm...

Tuy nhiên, du lịch Thái Bình vẫn còn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; một số hạn chế đáng chú ý là: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm du lịch chưa có sự đa dạng, hấp dẫn và sức cạnh tranh. Lượng khách đến tham quan du lịch chưa nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn thấp, không đồng đều. Công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm, xúc tiến đầu tư du lịch chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực có mặt còn hạn chế.

Với quan điểm, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhằm tạo động lực lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện; thu hút nguồn lực đầu tư, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; góp phần xây dựng diện mạo mới cho cảnh quan môi trường, đô thị, nếp sống văn minh trên địa bàn tỉnh và quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Thái Bình tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có; bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch cộng đồng, trải nghiệm sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống... tạo thành điểm nhấn trong chuỗi liên kết trong bản đồ du lịch của khu vực. Phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên; chủ động, linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của thiên tai; tạo nét cạnh tranh khác biệt với các địa phương khác. Phát triển du lịch của tỉnh phải bảo đảm vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính cụ thể và gắn với phát triển các ngành kinh tế khác, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch và các nghị quyết, quyết định, quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, ban hành. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có sự đồng thuận, chung tay, góp sức tham gia của toàn xã hội với quyết tâm cao, tích cực, kiên trì, quyết liệt; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu quả của chính quyền; huy động nguồn lực và phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, vừa tăng thu nhập, làm giàu về kinh tế, vừa góp phần làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, địa phương.

Nghị quyết xác định mục tiêu chung: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch của tỉnh; có bước đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, thân thiện môi trường, có thương hiệu, bản sắc, tính chuyên nghiệp, cạnh tranh cao gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và sự lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030: Đón trên 4,5 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế trở lên; phấn đấu có từ 3 đến 5 khách sạn cao cấp hạng từ 3 sao trở lên (trong đó có 1 đến 2 khách sạn 5 sao); tổng số lượng phòng trong các cơ sở lưu trú đạt khoảng 9.700 phòng; giải quyết việc làm cho khoảng 14.600 lao động phục vụ du lịch; phấn đấu công nhận từ 1 đến 2 khu du lịch cấp tỉnh và từ 5 đến 7 điểm du lịch tại các huyện, thành phố; doanh thu từ du lịch đến năm 2030 ước đạt 7.000 tỷ đồng. Tầm nhìn đến năm 2050: Đón trên 9 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế trở lên; phấn đấu có từ 7 đến 9 khách sạn cao cấp hạng từ 3 sao trở lên (trong đó có 3 đến 5 khách sạn 5 sao); tổng số lượng phòng trong các cơ sở lưu trú đạt khoảng 18.000 phòng; Giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động phục vụ du lịch; phấn đấu công nhận từ 5 - 7 khu du lịch cấp tỉnh và 13 - 15 điểm du lịch tại các huyện, thành phố; doanh thu du lịch đến năm 2050 ước đạt trên 18.000 tỷ đồng.

Để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, Nghị quyết đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch. Rà soát, hoàn thiện, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong phát triển du lịch. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Phát triển không gian, sản phẩm du lịch đa dạng, mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh Thái Bình. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; xây dựng tour, tuyến du lịch hấp dẫn, phát triển thị trường khách du lịch. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát huy vai trò của các cấp, các ngành đối với phát triển du lịch. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Tăng cường công tác hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch./.

Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Bình

Related Post

Sample Plan