Đình Thượng Hiền - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

10/01/2023
Đình Thượng Hiền được xây dựng trên khu đất có diện tích 843 m2, tại Thôn Phú Cốc, xã nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Phía đông giáp sân vận động của thôn; phía tây giáp giáp thửa 232 và 204; phía nam giáp đường giao thông của thôn và hồ đình; phía bắc giáp đường thôn và chùa Thanh Nhàn.

Đình nằm ở phía đông nam tỉnh Thái Bình, cách thành phố Thái Bình khoảng 20 km, cách thị trấn Kiến Xương khoảng 7 km. Theo Tôn thần ngọc phả và bia đá, Đình Thượng Hiền được xây dựng vào năm1930. Đình Thượng Hiền là công trình có kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn, có giá trị nghệ thuật về điêu khắc gỗ, có qui mô nội thất đình vững chắc. Đình còn lưu giữ những tư liệu, bia ký, tôn thần ngọc phả có giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử tỉnh nhà 10 thế kỷ sau công nguyên.

Đình Thượng Hiền thờ 2 vị thành hoàng làng là Tây Hải Á Hầu Đại vương và Cao Sơn Đại Vương. Thành hoàng làng là hai vị tướng của Triệu Quang Phục. Hai vị sinh vào giờ ngọ, ngày mùng 4 tháng 3 năm Bính Ngọ năm 526 sau công lịch. Hai vị là bậc tài cao đức trọng, văn võ song toàn, được vua Triệu Quang Phục phong một vị là “Tây Hải Á Hầu tướng quân” chấn kinh bắc đạo. Một vị là “Tây Hải Cao Sơn tướng quân” chấn sơn nam hạ đạo. Khi giặc ngoại xâm đến xâm lược nước ta, giang sơn đất nước lâm nguy, hai vị xin với nhà vua được cầm quân dẹp giặc ngoại xâm, nhà vua chuẩn tấu và ban cho hai vạn tinh binh và hàng ngàn chiến thuyền cùng quân lương. Sau khi cầm quân đánh tan quân giặc, đất nước thái bình, hai vị được vua Triệu Việt Vương tấn phong một vị là Tây Hải Á Hầu quản nội các quan, một vị là Tây Hải Cao Sơn phụ quốc đại tướng quân.

Sau khi đất nước bình yên hai vị về ngoạn cảnh vùng chân lợi Kiến Xương đạo sơn nam. Thấy phong cảnh hoang vu, sa thổ tân bồi màu mỡ, sông nhỏ uốn quanh, trung hữu hình thế chính cực, có thất tinh dẫn mạch, có thể phát nghiệp mở nền. Hai vị tấu trình, được nhà vua chuẩn hứa, đã về xã Phú Cốc huyện Nam Sang, chàng (đồng) thuỷ tổng Lý Nhân, Hà Nam đưa 50 người thuộc 13 họ về khai làng lập ấp tại Thượng thôn làng Gốc. Từ đó hai ông lập cung sử ngự tại miếu Trung dạy dân lạc nghiệp được 15 năm. Hai ông cho dân 3 hốt vàng để làm của công phụng tu bổ miếu địa. Đến ngày 03 tháng 12 (không rõ năm) hai ông đã hóa thân để lại kiếm ấn mũ áo.

Dân làng Thượng thôn ghi nhớ công lao của hai ông, thiết lập bài vị và thần hiệu, phụng sự tại miếu. Đến thời vua Lê Trung Tông, vua ra sắc phong và sắc chỉ cho dân làng đèn nhang phụng sự nhị vị Thành hoàng làng.

Năm 1903 dân làng đã xây đình Thượng Hiền khang trang đẹp đẽ để thờ 2 vị thành hoàng làng. Đình gồm 3 tòa, gồm tiền đường, trung cung, hậu cung. Các tòa quay chính hướng nam. Tiền đường có 3 gian 2 trái. Dài 19,5 m; rộng 8,9 m; cao 6m. Lòng của gian rộng 3,8m. Khung kiến trúc bằng gỗ. Trung cung có 3 gian. Dài khoảng 9m; rộng 3m. Hậu cung có 1 gian, dài gần 4 m, rộng 3m. Đình Thượng Hiền được làm theo kiểu chép đao tàn góc, hồi văn 3 đầu, bờ cảnh đắp hoa văn cánh diều cong vút mềm mại, tạo thành đao song loan trổ, đại bờ võng như nước thủy ba, chim bay, hoa lá, tùng, cúc, trúc, mai như vẽ trên dải lụa theo độ xoải của mái soi chỉ kép, rồng ngậm đầu bờ.

Hình ảnh: Đình Thượng Hiền được làm theo kiểu chép đao tàn góc

Đình có một bộ khung kiến trúc khá vững chắc, được làm theo kiểu nhà gỗ kẻ truyền – Kiểu nhà gỗ cổ truyền, chủ yếu ở đồng bằng bắc bộ. Đây được coi như nét kiến trúc văn hóa dân gian, được kế thừa, phát huy và đẩy lên tầm thiêng liêng, cao cả hơn là kiểu kiến trúc cung đình, thể hiện nét tôn giáo của người Việt. Đình gồm nhiều cột lim, chu vi có cột tới 1,5m, đứng trên các tảng đá, soi chỉ 5 cấp tạo thành hệ thống chịu lực nâng bổng mái kiến trúc có sức năng hàng chục ngàn cân. Khung nhà có kết cấu gồm 4 vì, mỗi vì 4 cột và các xà, kẻ... Hai vì chính giữa cung làm theo kiểu chồng trụ, đấu hoa sen, sấu đội câu đầu. Các xà, kẻ của đình được trạm trổ theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

Có thể nói đình là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, được thực hiện bởi những nghệ nhân tài ba, những bàn tay vàng của những người thợ cách đây hơn một thế kỷ.

Rất nhiều loại hoa văn đã được điêu khắc trên các xà, kẻ… như: tứ quý, tứ linh, chim bay, chim đậu, hoa lá, tùng, cúc, trúc, mai, long li, qui, phượng, cua, vịt, phượng vờn mây, rồng chầu ẩn trong mây… với các đường nét chạm lộng, bong kênh, khi thì uyển chuyển mềm mại, khi thì dứt khoát, khỏe mạnh. Những người thợ, những nghệ nhân tài ba đã ”thổi hồn” cho những khúc gỗ vô tri và truyền tải vào đó cả cái tinh thần quê hương, cả những ước vọng truyền đời. Những hoa văn chạm khắc trong kiến trúc của đình đã vượt ngoài yếu tố trang trí, làm đẹp cho kiến trúc mà nó mang trong mình cả những giá trị trường tồn.

Trước đình có sân dài 25m rộng 18 m, có dải đất nhỏ để trồng cây xanh. Xung quanh là hệ thống cổng dậu xây; các cột cổng, cột dậu có trụ đèn. Cổng có 3 cửa, 4 trụ cổng cao 4,5m. Có trạm đắp nghê chầu phượng múa, tùng cúc trúc mai. Cửa giữa có bức cuốn thư chấn trạch, đắp hổ phù bút kiếm.

Tại đình làng đã diễn ra những sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến như:

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954.

Làng Phú Cốc ở giáp vùng tề trong kháng chiến, thời kỳ này địa phương đã xây dựng làng kháng chiến như làm rào làng, làm các điếm canh, ví dụ Điếm canh bến đông đầu làng, Điếm canh phía tây đình làng, Điếm canh ở gò tre xóm 9 và tổ chức canh gác chống giặc đến càn.

Những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đình làng trong giai đoạn này:

+ Năm 1946 là địa điểm bầu cử đại biểu quốc hội khóa 1 khu vực xã Phú Cốc.

+ Năm 1949 đình Thượng Hiền là nơi đón tiếp các đồng chí đảng viên hoạt động bí mật ở khu nam Kiến Xương về nhận chỉ thị xây dựng cơ sở đảng cho các cụm ngày nay là Bình Định, Bình Thanh, Minh Tân, Minh Hưng, Quang Trung, Quang Hưng.

+ Năm 1952 Đình Thượng Hiền là công binh xưởng của Sư đoàn 320, nay là Sư 390.

+ Cũng năm 1952 Đồng chí Văn Tiến Dũng, Sư trưởng Đoàn Đồng bằng lúc bấy giờ (Sư 320, nay là sư 390) Quân đoàn 1 về hoạt động ở Kiến Xương đã về đình Thượng Hiền phổ biến cho các đơn vị chủ lực và du kích địa phương kế hoạch đánh Bốt Đông Hướng (Tiền Hải), Bốt Thanh Nê, Khu Nghĩa Giáp Cao Mại nay là nhà thờ công giáo xã Quang Hưng.

+ Năm 1953 là cơ sở làm việc bí mật của Tỉnh Hội phụ nữ Thái Bình.

+ Là cơ sở huấn luyện của bộ đội huyện, bộ đội chủ lực tỉnh;

Đình Thượng Hiền nằm ở phía nam, gần bốt Nghĩa Giáo (Cao Mại). Bọn giặc trên bốt đã nhiều lần xuồng càn, phá mất 2 giải vũ của đình.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

- Sau hòa bình (1954), do chưa xây dựng được trường học, đình được sử dụng làm lớp học cho học sinh cấp 1 xã Nam Bình.

- Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Đình đã được sử dụng làm kho đựng thóc thuế của nhà nước.

Các di vật tại đình gồm có: Quyển Tôn Thần Ngọc Phả, quyển văn tế các ngày lễ tết trong năm - bát kích, quyển Thọ Mai Gia Lễ, sắc phong các đời vua, hoanh phi, đại tự, cửa võng, câu đối, khám thờ, bài vị, hương án, ngai thờ, bát kích, bát biểu, lộc bình, bàn thờ, kiếm kích thờ, bát hương, chuông đồng.

Các lễ hội diễn ra tại đình:

Cứ ba năm tổ chức một lần lễ hội truyền thống Kỳ An. Thời gian một kỳ lễ hội là 3 ngày, vào các ngày mùng 2, 3, 4 tháng 3 âm lịch.

Năm năm tổ chức lễ hội giao lưu giữa 3 thôn Thượng – Chính – Trung.

Phần lễ gồm

- Rước kiệu: Sáng mùng 2, rước các kiệu thần, kiệu cửu tộc, kiệu liệt sỹ đi vi hành trên trục đường thôn. Các khu xóm dâng lễ nghênh đón kiệu thần.

- Tế lễ. Có đội tế nam quan và đội tế nữ quan.

- Các họ trong làng dâng lễ.

Phần hội.

- Có các trò chơi: Cờ tướng, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bơi, đi cầu kiều, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt lợn, chọi gà, thổi cơm thi, móc chệch, leo cây chuối… Thành phần tham gia là người trong thôn, trong xã và khách thập phương.

Tổ chức các trò chơi từ chiều mùng 2 đến hết sáng mùng 4.

- Văn nghệ. Tổ chức múa hát trên sân khấu, hát trên thuyền, vào tối mùng 2 và tối mùng 3.

Thành phần tham gia là người trong thôn, trong xã.

Công việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo đình làng.

Do đình làng được xây dựng đã lâu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đình được sử dụng phục vụ công cuộc kháng chiến, việc bảo quản gìn giữ đình không được chú trọng, nên đình làng có phần xuống cấp, hậu cung bị dỡ bỏ. Vì vậy thời gian gần đây dân làng đã thực hiện một số công việc tu bổ, tôn tạo đình, như:

Năm 1987 khôi phục hậu cung ở mức đơn sơ.

Năm 2006 đảo lại ngói mái đình.

Năm 2007 khôi phục lại trung cung và hậu cung kiên cố.

Năm 2016 khôi phục giếng làng ở cạnh đình, xây lại cổng dậu đình, nhà bia, bờ hồ đình.

Nguồn kinh phí: do nhân dân và con em xa quê tiến cúng.

Mấy năm vừa qua dân làng đã tích cực tiến cúng các đồ tế khí cho đình, như: trống đại, hoành phi, chiêng đồng, bát biểu, cuốn thư, nhà bia, giếng làng, bộ ngũ sự, long đình kiệu...Những đồ tế khí trên đây đã góp phần làm cho đình làng thêm khang trang, oai nghiêm, đẹp đẽ

Năm 2022, đình Thượng Hiền được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia. Đây là niềm vinh dự tự hào lớn lao của cán bộ và nhân dân thôn Phú Cốc, xã Nam Bình huyện Kiến Xương.

Hình ảnh: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích

Đình Thượng Hiền, một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ tuyệt tác mà các cụ xưa đã để lại cho chúng ta - Lịch sử đã trao, sáng ngời di tích: "Tiền nhân xây dựng lên di tích, Hậu thế phát huy để nối truyền"

Ngày 15/4/2022 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 885/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đình Thượng Hiền thôn Phú Cốc là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hình ảnh: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích

Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với nhân dân thôn Phú Cốc nói riêng và nhân dân xã Nam Bình nói chung:

Lịch sử đã trao, sáng ngời di tích,

Rạng rỡ đình làng, rạng rỡ quê hương.

Thế Công ( Tổng hợp và sưu tầm)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn