Quản lý nhà nước đối với du lịch cộng đồng

22/07/2022
Du lịch cộng đồng đang được thực hiện rộng rãi tại Việt Nam nhằm mục đích nâng cao vai trò và lợi ích của cộng đồng trong việc tham gia vào hoạt động du lịch, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển du lịch bền vững tại điểm đến. Do vậy, công tác quản lý nhà nước đối với du lịch cộng đồng tại Việt Nam cần được quan tâm kịp thời để tạo điều kiện cho hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thực tế.

1. Nâng cao nhận thức cộng đồng

Cán bộ quản lý nhà nước cần phải tiếp cận với trưởng thôn, tổ trưởng - người có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng địa phương tổ chức họp nhóm với cộng đồng giới thiệu cho người dân địa phương về du lịch cộng đồng, lợi ích của du lịch cộng đồng đối với dân cư địa phương.

Tổ chức các chuyến tham quan đến các địa phương khác - những nơi có mô hình du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giao tiếp tốt với khách.

Đề cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc lập kế hoạch, đưa ra những quy tắc, những hình phạt đối với những hành động làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch cộng đồng của địa phương như hành động đeo bám khách, bán hàng kém chất lượng cho khách du lịch.

Trong quá trình làm việc với các tổ chức khi có dự án, cán bộ quản lý nhà nước nên học hỏi và đúc rút một số kinh nghiệm của đối tác; khi những dự án kết thúc hoặc đang trong giai đoạn chờ kinh phí, có thể tổ chức các lớp đào tạo cho nhân dân địa phương. Từ đó giúp nâng cao nhận thức của dân cư địa phương về du lịch cộng đồng.

2. Bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch hợp lý

Cộng đồng địa phương là người sở hữu các tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào bảo vệ tài nguyên giúp họ nhận thức được vai trò trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch; đồng thời có tác dụng to lớn trong việc giáo dục du khách có hành vi và ứng xử thân thiện với môi trường và tài nguyên của địa phương. Khi người dân có việc làm, thu nhập, đặc biệt từ du lịch, họ sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn với tài nguyên của địa phương mình.

Bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên hợp lý không phải là việc làm của riêng cá nhân hay tổ chức mà là sự chung tay của cả cộng đồng. Cần phải kêu gọi, tuyên truyền người dân địa phương cũng như du khách; Cần có quy chế rõ ràng và chặt chẽ trong công tác thanh kiểm tra.

Một thành phần nữa không thể thiếu trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên của địa phương là khách du lịch. Để du khách phát huy vai trò tích cực đó thì du khách phải được giáo dục, diễn giải về tài nguyên, môi trường sinh thái và văn hóa tại địa phương. Ngoài ra, du khách cũng phải được khuyến khích tham gia vào các chương trình trồng cây xanh, góp phần nâng cao ý thức cho cả du khách và người dân địa phương. Những việc này không những giúp du khách nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên mà còn mang lại niềm vui và những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi.

3. Giải pháp về vốn

Vốn đầu tư là vấn đề cần thiết, quyết định tất cả các hoạt động quản lý, hỗ trợ, đào tạo, thanh kiểm tra... Nhưng trong thực tế hiện nay, ở rất nhiều địa phương, việc bố trí vốn cho lĩnh vực du lịch vẫn còn hạn chế. Thực tế khó khăn này đòi hỏi cần có những biện pháp mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cho ngành Du lịch, như: cần có những kế hoạch sử dụng vốn đầu tư hợp lý trước khi tiến hành huy động những nguồn vốn từ Trung ương và địa phương; huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn bằng cách hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bằng hình thức này không những cơ quan quản lý nhà nước sẽ có khả năng nhận được sự giúp đỡ về tài chính của doanh nghiệp, khách du lịch mà còn có cơ hội nhận được những tư vấn quý báu của họ trong việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, cần kêu gọi đầu tư, đưa ra những chính sách, ưu đãi đối với những tổ chức nước ngoài đầu tư vào du lịch thông qua các trang thông tin điện tử, trang web hoặc dựa vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng của các tổ chức quốc tế khi vào địa phương.

Khi đã có vốn, cần cân nhắc, xem xét thật kỹ để phân bổ số vốn vào những hạng mục cần được đầu tư: đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương, đồng thời phát triển du lịch như đường giao thông, chợ, các khu du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ rừng ...

Có nguồn vốn hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng nhà lưu trú, có thể coi đó như một hình thức cho vay với lãi suất thấp, khuyến khích họ tham gia tích cực vào việc phát triển du lịch cộng đồng; có những kế hoạch để khích lệ người dân địa phương gìn giữ những nghề thủ công truyền thống.

4. Cơ chế chính sách

Những cơ chế chính sách cần được cân nhắc để có thể tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng như xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng: “Chính phủ chủ đạo + Cộng đồng là chủ thể + Doanh nghiệp kinh doanh + lực lượng thứ 3 vào cuộc (các tổ chức tư vấn, hỗ trợ …) + Quy phạm pháp luật”.

Những cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương: các chính sách về ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế với các sản phẩm thủ công của cộng đồng dân cư địa phương sản xuất ra để phục vụ cho khách du lịch; cùng với các trưởng thôn, các BQL du lịch cộng đồng của các xã tổ chức các sự kiện văn hóa tôn vinh những bản sắc văn hóa, khuyến khích người dân tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.

Cơ chế các khoản thu và nộp của cộng đồng: các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch của huyện và của tỉnh cần tính toán lại các khoản thu, khoản nộp hợp lý, phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng là nâng cao đời sống cho dân cư địa phương.

Ngoài ra, cần phải có những cơ chế chính sách dài hạn như các quy định về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch hợp lý, các quy chế BQL du lịch cộng đồng luôn được xem xét và thay đổi phù hợp với từng địa phương và từng giai đoạn cụ thể.

5. Nguồn nhân lực

Trong các công tác quản lý, con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, quản lý nhà nước về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực các cán bộ các cấp như: mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch hoặc đưa cán bộ đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả ở những địa phương khác trong và ngoài nước.

Ngọc Mai

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn