Vai trò của nông nghiệp với phát triển du lịch.

30/06/2022
Du lịch nông nghiệp có thể được hiểu là một loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giải trí hoặc giáo dục. Khách du lịch nông nghiệp sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp phải đảm bảo bao gồm 4 yếu tố: sự kết hợp giữa ngành du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp, được phát triển để gia tăng thu nhập của người làm nông nghiệp và mang đến trải nghiệm giải trí hoặc giáo dục cho du khách.

Theo một báo cáo của Fortune Business Insights, quy mô thị trường du lịch nông nghiệp toàn cầu trị giá 69,24 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 117,37 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7,42% trong giai đoạn dự báo 2020 – 2027. Xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự chú ý nhiều hơn từ du khách cũng như các nhà làm du lịch trong những năm gần đây. Du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, được tham gia vào việc học hỏi, sáng tạo trong các chuyến đi của mình và đóng góp cho các hoạt động bảo tồn hơn là chỉ nghỉ dưỡng đơn thuần. Do đó, các hình thức du lịch bền vững, các điểm đến và hoạt động thân thiện với môi trường mà du lịch nông nghiệp là một điển hình sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Việc đa dạng hóa các loại hình kinh doanh sẽ tạo thêm một nguồn thu nhập cho người nông dân, bên cạnh trọng tâm sản xuất nông nghiệp.

Tại Việt Nam, nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhiều mô hình du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn được đầu tư khai thác. Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn đã có sự liên kết chặt chẽ, nhiều tour du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo, chất lượng bước đầu được du khách đón nhận. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Nhiều điểm đến khu vực nông thôn có thể đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Và để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của khách du lịch trong và ngoài nước, hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Trong đó, điểm đến, sản phẩm du lịch tại nhiều vùng nông thôn cũng được đầu tư nhằm mục đích khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam trong kết nối giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Cùng với định hướng quy hoạch phát triển du lịch và chính sách xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại nhiều vùng, miền trên cả nước nông thôn trên cả nước đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần làm phong phú hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn. Nhiều điểm du lịch nông thôn đã được đầu tư khai thác hiệu quả, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, tăng khả năng thu hút khách, thu nhập từ hoạt động khai thác kết hợp du lịch và nông nghiệp đem lại doanh thu cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần tuý. Điều này khẳng định được vai trò gắn kết của nông nghiệp trong phát triển du lịch.

Đối với Thái Bình, phát triển du lịch nông nghiệp đang là hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi Thái Bình là một tỉnh thuần nông, tận dụng lợi thế sẵn có về nông nghiệp để phát triển du lịch, phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục  như: Daza Ecofarm, EPC farm, vườn hoa cải xã Hồng Lý, làng vườn Bách Thuận.... Các sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Thái Bình và các tỉnh phụ cận.

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế, nhưng từ thực tế cho thấy, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Cùng với đó, giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên đã làm giảm đi sức hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, tính liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của đất nước nông nghiệp. Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp cần:

- Điểm đến du lịch nông thôn phải được được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Các điểm đến du lịch nông thôn cần được tổ chức quy hoạch không gian đảm bảo các điều kiện để khai thác điểm đến du lịch mang bản sắc vùng miền (khu vực nông thôn gắn với môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, bảo tồn được những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, nền ẩm thực đặc trưng, làng nghề truyền thống…).

- Các địa phương cần rà soát, tổ chức quy hoạch xác định những lợi thế của nông thôn từ đó đề ra chiến lược phát triển phù hợp với thị trường. Quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đặc biệt là quy hoạch về kiến trúc, cảnh quan của các điểm du lịch nông thôn phải được bổ sung trong Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy các lợi thế đặc trưng về tự nhiên, văn hóa (cảnh quan, làng nghề, cơ sở dịch vụ nông thôn...) phục vụ phát triển du lịch.

- Điểm đến du lịch phải có sự kết nối với các trung tâm, thị trường nguồn gửi khách và các điểm đến khác để hình thành tuyến điểm du lịch đa dạng. Điểm đến du lịch nông thôn phải liên kết với các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch, doanh nghiệp lữ hành sẽ là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến và định hướng thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách. Việc kết nối hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá xúc tiến du lịch.

- Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận điểm du lịch nông thôn đặc trưng của từng vùng, đồng thời hình thành liên kết giữa điểm du lịch nông thôn trong vùng để nâng cao hiệu quả khai thác chương trình du lịch của các công ty lữ hành. Trong định hướng phát triển du lịch nông thôn cần hình thành mạng lưới các điểm du lịch nông thôn phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của khách du lịch sau: (1) các làng (thôn, bản, ấp) du lịch cộng đồng; (2) các nông trại, trang trại khai thác nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch; (3) các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại khu vực nông thôn. 

- Tập trung nâng cao năng lực cho người dân nông thôn trong việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng địa phương; hỗ trợ những chủ thể có vai trò “dẫn dắt”, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ, kỹ năng nghề du lịch mới trong cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở nông thôn...

Để đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, cái “bắt tay” giữa hai ngành Du lịch và Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Ngọc Mai

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn