Price: Free
Phone: 0904254166
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 08:00 - Close Time: 18:00
Email: nhutruongtour@gmail.com
Address: Xã Hiệp Hòa, Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình
Thưa quý vị và các bạn, nếu quý vị muốn tìm về một không gian xưa với một nếp nhà cổ và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật bằng cả gỗ và đá thì xin mời Quý khách hãy đồng hành cùng tôi đến thăm Đỗ Gia Viên tại Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình.
Khi đặt chân đến với Đỗ Gia Viên, hầu như ai cũng dừng lại ít phút nơi phía cổng tam quan để cùng ngắm một tuyệt tác về kiến trúc cổng gỗ Việt Nam. Với tư duy thiết kế của người xưa, qua bàn tay tài ba của những thợ mộc lành nghề đã biến những khối gỗ vô tri ấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khó có thể mô tả hết bằng lời.
Từ xa nhìn về cổng tam quan của Đỗ Gia viên, rất giống như một biệt phủ. Lại gần thấy đề ba chữ lớn: Đỗ Gia Môn, cổng làm theo lối mái chồng, cổ đẳng.
Trên mái có đầu đao cong vút, bên trên có đắp những con Nghê chào phong rất đẹp.
Bên dưới có đôi cánh cổng được trạm trổ công phu, tỉ mỉ. Cổng làm theo lối lòng thuyền, thượng bò, hạ kẻ, nhà trái bồ câu rất đẹp.
SÂN VƯỜN VÀ BỘ SƯU TẬP ĐÁ
Vào đến sân nhà, gia chủ cho đặt thấp thoáng những chậu cây được uốn tỉa rất đẹp, Góc sâ hướng tây có cây hải đường khá to, cây bắt đầu trổ đón tết, tiếp đó là những cây tùng la hán, cây thông dáng lão, cây… tô điểm thêm màu xanh trước sân nhà.
tôi rất ấn tượng bởi bộ sưu tập đá khổng lồ với hàng trăm tác phẩm được anh Đỗ Bình là chủ nhân của nhà vườn dày công sưu tầm từ mọi miền đem về đây trưng bày.
Hàng trên, chính giữa là bức tượng đức phật, hai bên có đôi nghê chầu thời Lê Trung Hưng., hai bên sườn đặt hai chậu đá cổ, theo gia chủ chia sẻ thì đôi chậu này của cụ Án Kiến Đậu Chung phủ Kiến Xương, được gia đình anh mua về cũng đã lâu. Bên dưới có một chiếc Thống sen/ Mai cài thọ của cụ chánh tổng Hiệp Hòa
Sát hàng dưới mặt sân là đôi nghê bò, trạm trổ rất sắc nét và vô số chậu đá, bể đá, có cả đôi voi phục rất đẹp.
HIÊN NHÀ
Từ dưới sân trước, nhìn lên ngôi nhà cổ của Đỗ Gia thấy ngôi nhà này được dựng quay hướng Tây Nam, đây là hướng phong thủy rất mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, lại tránh được nồm ẩm của thời tiết miền bắc.
Tôi bước lên trên những bậc thềm và dừng lại đứng ngắm nghía dưới mái hiên nhà. Ngay hai bên cột tiền gian chính giữa của Đỗ Gia được treo đôi câu đối cổ:
Đồng tâm vạn sự thành/ Hòa khí nhất gia hạc
nghĩa là: Gia đình luôn giữ lấy hòa khí, đoàn kết một lòng thì vạn sự ắt sẽ thành công.
Tôi bước qua bậu cửa, chú ý nhìn ngắm những nét trạm khắc đục trổ rất tinh tế, tỉ mỉ trên từng cánh cổng. Với những bức đục tứ quý: (Xuân, hạ, thu, đông) tạo cho bất kỳ du khách nào khi đến nhà và nhìn vào ngay những bức cảnh cửa đã thấy cảnh sắc bốn mùa thật phong phú và thi vị.
NHÀ TRONG
Bước vào bên trong nhà , một không gian thật ấm cúng, khách đến xin mời ngồi uống trà trên bộ tràng kỷ cổ cùng nói chuyện tâm tình. Ngước nhìn nên thượng lương và câu đầu được biết Ngôi nhà của Đỗ Gia được xây dựng vào thời Nguyễn, từ thời vua Thành Thái năm thứ 6.
Càn Nguyên hanh lợi chinh/ Thành Thái lục niên xuân
Gian giữa của ngôi nhà. Anh Bình chọn làm nơi thờ phụng gia tiên, hai bên ban thờ có các câu đối với nội dung răn dạy cháu con, luôn lấy chữ hiếu - nghĩa làm trọng, nhắc nhở các thành viên trong gia đình sống có đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn/ ẩm hà tương nguyên.
Ngay trên bàn trà, tôi thấy rất ấn tượng với tác phẩm điêu khắc rất đặc biệt. Đây là một chiếc chuông đồng cổ được treo trên một giá gỗ hoàng dương có trạm khắc những đóa hoa phù dung tuyệt đẹp và được khảm bạc sợi với nét hoa văn độc đáo.
Cảnh sắc trong Đỗ gia viên ở mọi không gian, góc nhìn luôn làm du khách ấn tượng. Từ gian chính giữa, tôi chuyển ống kính sang không gian bên cạnh liền với bức thuận Đông Nam, thấy có bàn thờ phật được gia chủ thờ cúng rất uy nghi: Phía bên trên là bức tượng A Di Đà, tiếp đó là tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay, tiếp nữa là tượng: Ngọc Hoàng Đại đế.
Ngay sát cột chính được đặt bức tượng: Phật tọa sơn nét cổ rất đẹp.
Không gian liền với bức thuận phía Tây Bắc được bài trí các vật dụng phục vụ nhịp sống thường ngày của gia đình. Nhìn lên bức thuận này tôi chợt dừng lại với bức Đại tự rất cổ và đẹp. Trên có khăc đề 4 chữ lớn: Phố Hữu Hoàng Hoa
Vách bưng trên bức thuận được làm theo lối khung măng đố lụa, thật đẹp và thanh thoát.
Kính thưa quý vị và các bạn Ở mỗi vùng miền đều có lối kiến trúc nhà cổ rất riêng như nhà cổ Bình Thủy ở Miền Tây, Kiến trúc nhà cổ nhà Rường ở Huế, còn ở Bắc bộ là những nếp nhà kẻ truyền, tấy cả đều là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn thời gian và không gian văn hóa.
Nhà cổ của Đỗ Gia là nhà chữ Đinh, có tiền kẻ, hậu bẩy, hầy như các chi tiết của khung, cột, thành vách, cánh cửa, bức thuận đều còn nguyên vẹn, giữ nguyên nét cổ kính của thời gian.
Nhìn lên cửa võng thấy đường nét trạm đục bằng thủ công của người xưa thật tỉ mỉ, điêu luyện, đường nét nhẹ nhàng thanh thoát rất tinh tế với phù dung, con trĩ, tùng lộc… tất cả đã nói lên ước vọng của người xưa gửi gắm tâm hồn mình vào từng tác phẩm điêu khắc gỗ mà tổng hòa kết hợp như một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ.
PHẦN KẾT
Thưa quý vị và các bạn, Nhutruongtour vừa giới thiệu đến Quý vị và các bạn toàn bộ không gian nhà cổ, sân vườn của Đỗ Gia Viên. Hy vọng qua bài viết này đã phần nào đem đến cho quý khán giả một khoảnh khắc trở về quá khứ, về khung cảnh cổ, không gian xưa của các thế hệ cha ông và đặc biệt nhịp sống mới trong không gian cổ kính của ngày xưa ấy vẫn còn đang tiếp tục, được bảo tồn và phát huy những giá trị về tín ngưỡng, kiến trúc, các giá trị văn hóa tích cực trong thời đại mới.