Kỉ niệm 64 năm Ngày Du lịch Việt Nam: lịch sử hình thành và phát triển (09/7/1960-09/7/2024)

08/07/2024

Dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời ngành Du lịch Việt Nam: 09/7/1960

Vào ngày 09/07/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Mặc dù đối mặt với những khó khăn do chiến tranh và thiếu hụt cơ sở vật chất, quyết định này đã đặt nền móng cho ngày du lịch Việt Nam. Ngày này được chọn để ghi nhớ và tôn vinh những đóng góp của ngành du lịch trong sự phát triển của đất nước.

Sự hình thành và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Du lịch đã nỗ lực vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Những thành quả đó có được nhờ vào sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

Từ năm 2011, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu chú trọng đầu tư vào việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu trên thị trường du lịch quốc tế. Các khẩu hiệu của ngành du lịch Việt Nam qua từng giai đoạn đã thể hiện nét đẹp hấp dẫn của đất nước:

  • 2001 - 2004: Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới.
  • 2004 - 2005: Hãy đến với Việt Nam.
  • 2006 - 2011: Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn.
  • 2012 - Nay: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận.

Trong quá trình hình thành và phát triển của ngày du lịch Việt Nam, ngành du lịch nước ta chỉ sử dụng duy nhất hai logo.

Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện quyết tâm ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.

Hình ảnh: Logo của Du lịch Việt Nam hiện nay.

Vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid 19

Trong bối cảnh Đại dịch Covid 19, Du lịch là ngành bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất, song với nỗ lực của các cấp, ngành, du lịch Việt Nam đã kiên cường vượt qua đại dịch và chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của du lịch.

 Với những thành tựu nổi bật, Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Sau hơn 60 năm phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã khẳng định vị thế quan trọng trong đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực của ngành du lịch Việt Nam do World Economic Forum công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 52 trong giai đoạn 2019 – 2021. Đây là một thành tích đáng tự hào cho ngành du lịch của chúng ta.

 Trong 5 năm qua, Việt Nam được giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 3 lần tôn vinh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; 4 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á.

Trước thềm kỷ niệm 64 năm ngày du lịch Việt Nam vào ngày 09/07/2024, du lịch Thái Bình hòa chung không khí và cho thấy những tín hiệu tích cực từ ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm. Tổng lượng khách 6 tháng ước đạt 320.000 lượt (tăng 20% so với cùng kỳ), khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt. Doanh thu ước đạt 370 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Công tác quản lý cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ khách du lịch: Địa bàn tỉnh có 378 cơ sở lưu trú với 5.572 phòng (08 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao). Toàn tỉnh có 09 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 12 công ty lữ hành nội địa.

Hình ảnh: Ảnh đẹp Du lịch Thái Bình

Trong các năm qua, Du lịch luôn là ngành nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể. Du lịch Thái Bình nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung luôn nỗ lực không ngừng, với tâm thế quyết tâm, khẳng định vai trò và đưa ngành du lịch đạt được những mục tiêu đã đề ra. Ở mỗi thời kỳ, ngành Du lịch Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp ngày càng tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

                                                                                          Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn