Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật chèo Khuốc Phong Châu (Đông Hưng)

27/01/2021
Tối ngày 22/01/2021 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Bình phối hợp UBND xã Phong Châu tổ chức báo cáo chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật chèo làng Khuốc tại nhà Văn hóa xã Phong Châu, huyện Đông Hưng.

 

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thái Bình luôn phấn đấu, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt là trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Tối ngày 22/01/2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Bình phối hợp UBND xã Phong Châu, huyện Đông Hưng đã tổ chức báo cáo chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật chèo làng Khuốc tại nhà Văn hóa xã Phong Châu. Chương trình có sự tham dự của đồng chí Trần Thị Bích Hằng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Bùi Bá Vường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện cùng các đại biểu đại diện các cấp lãnh đạo địa phương và cộng đồng dân cư xã  Phong Châu.

Ảnh: Chương trình biểu diễn văn nghệ của các học viên trong CLB chèo Khuốc

Lớp truyền dạy bảo tồn chèo Làng Khuốc có 05 nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm trực tiếp tham gia truyền dạy, 04 nhạc công và trên 30 học viên đến từ các thành viên Câu lạc bộ Chèo Khuốc và các hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ, học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã Phong Châu. Lớp học được tổ chức tại nhà tổ chèo trong thời gian 20 ngày, từ  15/11/2020 đến 15/12/2020. Tại đây, các học viên đã được các nghệ nhân dân gian giới thiệu về lịch sử ra đời và tồn tại của Chèo Khuốc, được truyền dạy các kỹ năng cơ bản về nghệ thuật hát chèo truyền thống, hướng dẫn chi tiết các làn điệu, các điệu múa cơ bản, múa quạt trong hát chèo, cách luyến láy, nhả chữ trong hát làn điệu chèo. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, sự say mê trong việc học tập và gìn gữ vốn quý văn hoá nghệ thuật của cha ông xưa, các học viên đã đạt 100% đạt yêu cầu, trong đó 90% đạt khá, giỏi. Lớp học đã giúp học viên trở thành những hạt nhân tích cực trong các hoạt động văn nghệ của địa phương và tiếp tục truyền đạt, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại buổi báo cáo chương trình, đồng chí Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng trang phục và nhạc cụ cho Lớp học như một sự động viên tích cực đến tinh thần bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian.

Ảnh: Đ/c Trương Thị Hồng Hạnh - TUV, Giám đốc sở VHTTDL tặng trang phục, nhạc cụ

Cũng tại buổi báo cáo, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu lên thực trạng của nghệ thuật chèo làng Khuốc, đó là những nghệ nhân dân gian, những cao niên từng am hiểu sâu sắc về nghệ thuật Chèo đang thưa vắng dần. Cùng với đó, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, lớp trẻ hiện nay không đủ chú ý, coi trọng việc bảo tồn phát huy giá trị di sản để ôn lại truyền thống, ghi nhớ công lao của các vị tiền nhân. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa, phục vụ sự nghiệp “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”  là hết sức cần thiết. Đồng thời đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã Phong Châu cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa; nâng cao niềm tự hào về truyền thống quê hương; góp phần phát huy, bảo tồn lâu dài di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, tiến tới lập hồ sơ khoa học đưa Chèo Khuốc vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa nghệ thuật Chèo là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thực hiện nội dung được đề ra tại Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XX. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

          Đ/c Bùi Bá Vường, Uỷ viên Ban Thường vụ PCT. UBND huyện Đông Hưng tặng hoa chúc mừng 

                                                             Minh Thu

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn