Chùa Cả (Đại Bi) xã Mê Linh, huyện Đông Hưng- Ngôi chùa cổ lưu giữ, bảo tồn nhiều di vật

14/08/2023
Chùa Đại Bi, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vốn là ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần gắn với Hoàng tộc nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến thời Mạc, chùa trở thành chùa làng được dân làng trùng tu tôn tạo, mở rộng quy mô, duy trì trong các thời kỳ sau đó và đến ngày nay là hơn 700 năm.

Chùa không chỉ là nơi thờ phật mà còn là nơi tưởng niệm một danh nhân có danh tiếng, có học vị đứng bậc nhất nhì thười Hồ đó là Thái học sinh Nguyễn Thành. Bên trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như chuông đồng, bát hương, khám thờ, mâm bồng, chân đèn, tượng thờ, đôi câu đối, bộ cửa võng, cây hương đá, chuông đồng mỗi thứ đó đều chứa đựng giá trị văn hoá, giá trị lịch sử. Nhưng trong số đó phải kể đến cụm bia đá gồm 8 tấm bia Lê và Mạc, một bia đá thời Nguyễn ghi toàn bộ công đức của chùa từ thời Mạc

Trong khi phần lớn các bia đá ở các địa phương trên địa bàn huyện bị hủy hoại thì ngược lại, bia đá ở chùa này được giữ gìn khá tốt. Trong hoàn cảnh các nguồn tư liệu thư tịch cổ về ngôi chùa cũng như địa phương đều không còn, có thể nói tư liệu văn bia này càng thêm phần quý giá để minh chứng cho chúng ta thấy chùa Đại bi tồn tại từ khi lập chùa đến nay trên 700 năm.

Ảnh: Kiến trúc hiện tồn của ngôi chùa- Ảnh chụp Minh Thu

Sơ lược các văn bia tại chùa Cả:

Tấm bia số 1: (Bia Thời Mạc): Bia ghi việc trùng tu chùa và ca ngợi cảnh chùa thực đáng là danh lam thứ nhất của quận Tân Hưng (Phủ Tiên Hưng) và sự linh dị, một chốn đất lành khuyên dăn con người sống từ bi, làm điều thiện do Tiến sĩ Cập Đệ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1557) Binh bộ Triều liệt đại phu trong phủ Ứng Vương, quê xã Đoan Lâm, Bình Giang, Hải Dương, là Đỗ Uông soạn. Môn đệ của ông là Bảng nhãn Lều Quang Bật viết chữ để khắc bia (1575 dương lịch)

Tấm bia số 2: (Bia Thời Mạc): Bia ghi việc đúc tạc 16 pho tượng, tô lại 6 pho tượng cũ và việc sơn son thiếp vàng toàn bộ tượng chùa. Văn bia do Nguyễn Sơn ở xã Tây An, Vĩnh Bảo soạn và khắc (1590 dương lịch)

Tấm bia số 3: (Bia Thời Mạc): Bia ghi lại việc xây gác chuông, văn bia do Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn (1591 dương lịch)

Tấm bia số 4: (Bia Thời Mạc): Bia ghi lại việc làm cây đèn sắt, bệ sắt hoa cửa chùa và các vật liệu khác khắc bia kỷ niệm, văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuân soạn (1592 dương lịch)

Tấm bia số 5: (Bia Thời Mạc): Bia ghi công đức làm hành lang tả hữu hai nhà khách hai bên, văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn (1595 dương lịch)

Tấm bia số 6: (Bia Thời Lê Quang Hưng): Bia ghi việc khắc kinh, văn bia do Giám sinh Quốc Tử Giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn (1595 dương lịch)

Tấm bia số 7: Ghi lại việc đúc tượng bằng đồng do Giám sinh Quốc Tử Giám Tô Vũ Lan đề văn bia năm Vĩnh Tộ thứ ba (1622).

Tấm bia số 8: Nội dung: Mặt tiền là bức phù điêu khắc tượng nữ hậu Phật, người đã gia tâm công đức góp phần xây lại ngôi chùa Đại Bi. Mặt sau ghi việc các quan viên sắc mục xã An Lạc đứng làm Hội chủ quyên góp công đức của nhân dân bản xã và thập phương xây lại chùa Chuông năm Cảnh Trị thứ 3 (1665 dương lịch). Bia không ghi tên người soạn.

Ảnh 2: Những tấm bia còn lưu giữ- ảnh chụp Minh Thu

Trải qua chiến tranh, binh đao khói lửa chùa vẫn hiện tồn sớm chiều vẫn vang tiếng chuông, đỏ nhang khói. Chùa được chọn là hộp thư bí mật cất giấy tờ liên lạc, là nơi làm giảng đường mở lớp chính trị quân sự và nhiều cuộc họp diễn ra...Chùa đã góp phần cho kháng chiến thành công. Ghi nhận những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá hiện tồn được lưu trữ tại chùa và công cuộc bảo tồn của cán bộ và nhân dân xã Mê Linh UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận Chùa Đại Bi là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2003.

Minh Thu

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn