Cơ sở lưu trú du lịch Thái Bình - ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19

13/12/2021
Trong những năm qua, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới tất cả các mặt trong đời sống của chúng ta, đặc biệt là lĩnh vực du lịch nói chung và ngành dịch vụ lưu trú nói riêng.

Lưu trú là một trong những dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận cho các cơ sở lưu trú, đặc biệt đối với các điểm đến có sự hấp dẫn, khác biệt lớn. Điều này tạo thêm nhiều việc làm và gia tăng thu nhập, không chỉ cho các cơ sở lưu trú – mà cho cả các doanh nghiệp khác trong chuỗi kết nối kinh doanh như các nhà cung cấp vận chuyển, nhà hàng, các điểm danh lam thắng cảnh và các cơ sở bán lẻ,…. Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú ở Thái Bình có sự phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Xác định hoạt động kinh doanh lưu trú đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, là điểm đầu tiên tạo ấn tượng đối với du khách, do vậy, dịch vụ có chất lượng mới tạo được uy tín góp phần nâng cao tính cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho từng đơn vị và toàn ngành. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 378 cơ sở lưu trú với khoảng 5.048 phòng. Trong đó có 08 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao. Nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trong thời gian qua, hoạt động của các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách du lịch đến với Thái Bình giảm mạnh. Nhiều cơ sở lưu trú thậm chí phải đóng cửa, dừng hoạt động, một số cơ sở cắt giảm nhân sự để đảm bảo duy trì hoạt động. Tình trạng này kéo dài, không chỉ gây khủng hoảng cho phía doanh nghiệp mà còn dẫn đến “chảy máu” nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường, khó kiểm soát với những biến chủng mới nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những tham mưu về chính sách, những văn bản chỉ đạo các địa phương trong việc từng bước hồi phục lại ngành du lịch.

Song bên cạnh đó những khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng quá trình du lịch “ngủ đông”, cơ sở vật chất tại các cơ sở lưu trú đã được nâng cấp, sửa chữa, đổi mới và dần thích nghi với việc thực hiện nghiêm các điều kiện và biện pháp để cung cấp dịch vụ an toàn cho du khách sau khi đại dịch được kiểm soát và mọi hoạt động trở lại bình thường. Trước đó, tháng 11-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung yêu cầu bắt buộc các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.Triển khai Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục Du lịch là công cụ hỗ trợ rất hữu ích đối với khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó tính năng quét mã QR là bước quan trọng để khách du lịch kiểm tra cơ sở lưu trú có đáp ứng tiêu chí an toàn hay không.

Khách du lịch khi đến một cơ sở lưu trú du lịch chỉ cần sử dụng điện thoại có cài đặt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn quét mã QR của cơ sở để kiểm tra đã đăng ký an toàn Covid-19 hay chưa, đồng thời có thể đánh giá việc thực hiện các tiêu chí an toàn của cơ sở lưu trú du lịch.

Hoạt động kinh doanh lưu trú giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, bởi đây là khâu tạo dựng ấn tượng ban đầu của du khách. Ðây là yếu tố quan trọng để phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác theo mục tiêu của tỉnh. Và để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp, người lao động cần phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghiệp vụ để sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch có thể khởi sắc trở lại với chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách .

 

Song thực tế đến nay, doanh nghiệp du lịch nói chung, lĩnh vực lưu trú nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Thiệt hại, không có nguồn thu, bảo toàn được nhân sự trong tình hình hiện nay còn là “may mắn”. Tình trạng này kéo dài, không chỉ gây khủng hoảng cho phía doanh nghiệp mà còn dẫn đến “chảy máu” nguồn nhân lực. Thế nhưng, ngành du lịch là ngành dịch vụ “đi sau tất cả”, nên giải pháp tình thế ở thời điểm hiện tại là cần xoay xở để bảo toàn, đợi đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch mới có thể khởi sắc trở lại.

                                                                             Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn