Điểm đến thu hút khách du lịch từ làng nghề hơn 200 năm tuổi tại Kiến Xương, Thái Bình

16/11/2020
Làng nghề truyền thống xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có tuổi đời hơn 200 năm. Với đội ngũ lao động có tay nghề cao, mỗi tháng làng sản xuất ra thị trường từ 15.000m2 - 16.000m2 sản phẩm tấm mây đan và hàng nghìn sản phẩm hộp, lẵng hoa mây.

Làng nghề truyền thống xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có tuổi đời hơn 200 năm. Với đội ngũ lao động có tay nghề cao, mỗi tháng làng sản xuất ra thị trường từ 15.000m2 - 16.000m2 sản phẩm tấm mây đan và hàng nghìn sản phẩm hộp, lẵng hoa mây. Mặc dù đạt sản lượng lớn như vậy, làng nghề mây tre đan Thượng Hiền vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kiến Xương: Trong tổng số 37 làng nghề của huyện được cấp bằng công nhận thì đến nay có 22 làng nghề còn đủ tiêu chí theo quy định. Các làng nghề còn lại đã suy giảm do không đủ tiêu chí và không còn nghề chính. Trong các làng nghề còn tồn tại, làng nghề mây tre đan xã Thượng Hiền là số ít làng nghề đang phát triển, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Có việc làm thường xuyên, duy trì được nghề truyền thống cha ông truyền lại và thu nhập ổn định đã đem lại niềm vui cho những người dân làng nghề mây tre đan. Bà Phạm Thị Vòng, thôn Văn Lăng chia sẻ vào thời gian vừa thu hoạch lúa xuân vừa tranh thủ sớm tối đan lát, mỗi tháng một người dân tại thôn có thể đạt được thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng. Nhiều bà con chuyên tâm làm nghề, thu nhập có thể lên tới 6 triệu đồng/người/tháng.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_kxg/anh_1_348353982.jpg

Ảnh: Gia đình anh Phạm Xuân Đội thôn Văn Lăng (tác giả)

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu, các doanh nghiệp trong làng nghề thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và dạy thêm những kỹ thuật đan cho từng loại sản phẩm mới của mỗi đơn hàng. Những sản phẩm bị lỗi được phát hiện và kịp thời xử lý nên toàn bộ sản phẩm khi xuất ra thị trường đều được khách hàng chấp nhận, tin tưởng góp phần nâng cao uy tín, tạo tên tuổi  cho làng nghề. 

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_kxg/anh_3_236691114.jpg

Ảnh: Các sản phầm của làng nghề (tác giả)

Làng nghề mây tre đan Thượng Hiền vẫn luôn còn đó những người con yêu nghề, giữ nghề và đam mê với nghề. Họ luôn mong muốn nghề này được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đặc biệt là truyền dạy cho thế hệ trẻ để giữ gìn và tiếp tục phát huy, lan truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_kxg/giu_lua_nghe_may_tre_dan_truyen_thong_332278735.jpg

Ảnh: Tập làm nghề - gia đình em Em Phạm Huyền Trang, xã Thượng Hiền (sưu tầm)

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, Thượng Hiền vẫn giữ được nét đẹp mộc mạc, giản dị đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Ở Thượng Hiền, mây tre đan thủ công vẫn là nghề trọng yếu, cung cấp công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Có thể thấy, chính yếu tố truyền thống và sự yêu nghề là điểm mấu chốt giúp cho người dân Thượng Hiền sống được với nghề mà cha ông để lại. Hi vọng rằng với giá trị tinh hoa văn hóa đó, người dân Thượng Hiền sẽ luôn giữ gìn và lưu truyền lửa nghề cho các thế hệ mai sau./.

Thế Công (Sưu tầm - tổng hợp)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn