Đình Nguyên Hoàng Giáp Bùi Sỹ Tiêm với bi ký và mười điều Khải

12/01/2021

Đình Nguyên Hoàng Giáp Bùi Sỹ Tiêm với bi ký và mười điều Khải

Bùi Sĩ Tiêm sinh ra tại làng Kinh Hào, xã Kinh Lũ, tổng Bình Cách, huyện Đông Quan (nay là làng Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thuở nhỏ ông nổi tiếng thần đồng, tướng mạo khôi ngô, tư chất đình ngộ, 4 tuổi đã biết đọc sách, 7 tuổi thơ đã làm hay, 8 tuổi thông hiểu văn bài, 10 tuổi theo học ông Giám Sinh họ Nguyễn.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/52229_hoang_giap_bui_sy_tiem_nha_tri_thuc_chan_chinh_cua_765992068.jpg

Ảnh: Mộ phần và Từ đường Đình Nguyên Hoàng Giáp Bùi Sỹ Tiêm tại Đông Kinh, Đông Hưng

Năm 1715 đời vua Lê Dụ Tông, Bùi Sĩ Tiêm dự khoa thi Đình - “Đình Nguyên”. Khoa thi có 2500 người ứng thí nhưng chỉ đỗ 20 người, Bùi Sĩ Tiêm là người đỗ đầu nhưng khoa thi (1715) không lựa chọn hàng Tam Khôi (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) nên ông được xếp hạng Nhị giáp tiến sỹ - được gọi là Đình Nguyên Hoàng Giáp. Trên con đường quan trường, Bùi Sĩ Tiêm là người thành đạt sớm. Năm 1717, ông được bổ chức quan Hàn lâm viện Hiệu lý, năm 1718, ông được thăng Hiến Sát sứ Sơn Tây, Đông Các hiệu thư (1720), Đông Các đại học sỹ (1727), Đốc đồng tỉnh Thái Nguyễn (1729) rồi thăng Hoàng tín Đại phu Thái thường Tự Khanh. Với quyền chức của mình, ông hết lòng chăm lo việc nước, săn sóc dân lành, trị bọn tham quan ô lại. Bùi Sĩ Tiêm là một nhà tư tưởng lớn, cũng là là một tấm gương Nho sĩ kiên trung thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh và là một nhân cách vĩ đại.

Hiện nay, 5 bài ký hiện được lưu giữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh những người đỗ đạt của 5 khoa thi Đình chính do Bùi Sĩ Tiêm soạn thảo, trong đó đáng chú ý hơn cả là bài Khải 10 điều lưu danh thiên cổ. Bài Khải đã dám nói thẳng nói thật, vạch rõ những vấn đề cấp thiết xã hội, nguyên nhân của các tệ nạn xã hội lúc ấy, đồng thời đề ra những biện pháp để phòng ngừa, sửa đổi và những cải cách mạnh dạn, cấp tiến trước tình hình chính sự rối ren, hỗn loạn, mong có lại một triều đại minh quân, hiền thần cảm thông sâu sắc với đời sống cùng khổ của nhân dân.

Thái Thường tự khanh Bùi Sỹ Tiêm dâng Khải lên Chúa Trịnh tâu bày rằng: Quốc gia thừa hưởng thái bình đã lâu, trong nước an ninh, biên thùy yên lặng, vốn không có việc gì đáng nói. Nhưng trong buổi thái hòa chí trị mà thánh nhân vẫn lo lắng như những câu: “Lúc chưa mưa phải sửa sang nhà cửa” và câu “Phải buộc chặt như rễ dâu”, chính là những việc cần kíp lúc này. Ngu tôi thiết nghĩ những việc thiết yếu của quốc gia chỉ có 10 điều là: 1. Gắng tôn phù để tiêu tan biến dị; 2. Dứt hẳn cầu cạnh để cho đúng đắn tiêu chuẩn; 3. Chăm đời sống của dân để bền mệnh mạch; 4. Thận trọng chính sách dùng binh để mạnh nanh vuốt; 5. Giảm bớt chức quan để đỡ phiền nhiễu; 6. Bỏ nhũng lại để tắt nạn chài dân; 7. Chấn chỉnh thể văn để khích lệ người hiền tài; 8. làm rõ lệ xét xử để cho thanh thỏa việc từ tụng; 9. Liêm phóng tường tận để phân biệt người hiền, kẻ gian; 10. Phân biệt nòi giống để chặn sự nhòm ngó. Mười điều ấy đều là rất cấp bách đối với thời cuộc. Ngu tôi dám quên tội mạo muội, nhảm nhí, kính cẩn bày tỏ, cúi mong được tha thứ cho sự ngu cuồng, lược bỏ điều sai, khiến cho một chút thiện nhỏ không bị bỏ sót, mưu lớn được dựng lên, đó là phúc của hàng triệu sinh dân vậy....

Mười điều tâu bày của Bùi sỹ Tiêm khẳng định ông là một nhà nho thật sự yêu nước, tâm huyết với vận mệnh của đất nước, với nhân dân, ngày đêm trăn trở về những phương sách cứu nước, giúp dân. Vượt lên trên tất cả là nhân cách và bản lĩnh của người trí thức chân chính bất chấp sự ràng buộc của đạo lý Nho giáo. Ông đã để lại cho đời một tấm gương lẫm liệt, một vị quan thanh liêm chính trực, dám đấu tranh vì lẽ phải, dám liều mình vì dân vì nước.

Tờ khải 10 điều răn cũng là dấu hoạ dừng chân cuối cùng sau 15 năm hao tâm tổn trí ở chốn quan trường của vị Đình Nguyên Hoàng Giáp khi tuổi đời vừa chớm ngoại tứ tuần. Ông ra đi từ vùng nông thôn nhỏ bé của Thái Bình, trở lại với những người lao động của Thái Bình, ông đã giữ trọn được khí tiết, lối sống thanh bạch hết sức đáng kính phục.

Ngày 7/02/2013 mộ phần và nhà thờ Đình Nguyên Hoàng Giáp Bùi Sỹ Tiêm vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 664 công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia./.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/5_568412764.jpg

Ảnh: Công tác chuẩn bị cho buổi rước Bằng DTLSVH cấp Quốc gia

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/image20_964884256.jpg

Ảnh: Người dân tham dự Lễ rước Bằng di tích LSVH cấp Quốc gia

                                                                    Minh Thu (Tổng hợp và sưu tầm)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn