Độc đáo kiệu quay chùa Phượng Vũ

26/07/2023
Lễ hội chùa Phượng Vũ, xã Minh Khai huyện Vũ Thư tưng bừng mở hội vào ngày mùng 9, 10 tháng Giêng hàng năm

" Rước kiệu mùng chín tháng Giêng

Kiệu quay sông nước ngả nghiêng đất trời

Trăm ngàn du khách bồi hồi

Thăm chùa Phượng Vũ một đời không quên!"

Kiệu quay trên sông nước

Đó là câu ca nói về lễ hội chùa Phượng Vũ, thôn Thọ Lộc xã Minh Khai. Cứ đến ngày mùng 9, 10 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền - chùa Phượng lại tưng bừng mở hội. Điều đặc sắc làm nên nét độc đáo ở lễ hội này chính là nghi lễ rước kiệu truyền thống. Đoàn kiệu được rước đi vòng quanh làng và trước khi giáng đền, kiệu phải được lội sông, quay liên tục dưới nước hàng tiếng đồng hồ kể cả những ngày trời rét tím tái.

Rót chén nước chè xanh mời khách, ông Ngô Xuân Khôi – một người nhiều năm được dân làng tin tưởng cử làm trùm đám lễ hội chùa Phượng Vũ – chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của chùa. Theo đó, chùa Phương Vũ hay còn gọi là chùa Múa, thuộc thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai. Đây là một ngôi chùa cổ kính được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 đời nhà Nguyễn. Chùa nằm trong cụm di tích đền chùa Phượng Vũ, sở dĩ chùa có tên gọi như vậy vì ngày trước khi thánh Từ Đạo Hạnh đến mảnh đất này dạy dân trông cấy, ngài mới thấy có mảnh đất hình con chim phượng xòe cánh múa, thấy đất đắc địa ngài lập một ngôi chùa thờ Phật. Lễ hội được tổ chức vào mùng 7 đến 10 tháng Giêng hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương về dự. Đặc biệt, hội có tổ chức nghi thức rước kiệu đi dưới nước, gồm ba kiệu là Song Loan, Long Đình và Kiệu Lễ. Ngày hôm trước, các cụ và sư thầy lễ để cho các phù giá - nghĩa là trai tráng khênh kiệu - rước kiệu về đình làng Thọ Lộc, ngày hôm sau là chính hội thì lại rước kiệu từ đình ra chùa.

Kiệu quay trên bờ

Đội rước kiệu gồm 24 trai làng khỏe mạnh được chọn trong 100 ứng viên bằng cách xin đài âm dương vào ngày 6 tháng Giêng. Tất cả đều phải trên 18 tuổi. Những người này có 3 ngày để chuẩn bị sức khỏe, tinh thần cho buổi rước có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Người dân Thọ Lộc lâu nay vẫn truyền miệng về những cỗ kiệu bay không thể lý giải mỗi dịp diễn ra lễ hội. Những chiếc kiệu phi như bay không theo quy luật nào và điều kì lạ là ngay cả người khênh kiệu cũng không thể kiểm soát được hướng đi như ý muốn. Đặc biệt, những người rước kiệu đều khẳng định họ hoàn toàn khỏe mạnh và không hề có chuyện bị chóng mặt hay gặp tai nạn khi rước kiệu. Chùa, miếu, ao đình là những nơi đoàn kiệu sẽ ghé đến cúng lễ và tham gia màn rước kiệu dưới nước. Cũng trong hành trình, kiệu sẽ được đưa và ghé vào những nhà từng làm chủ hội hoặc có công đóng góp lớn cho nhà chùa, rồi kiệu lại được đưa xuống nước, có những khu vực ngập ngang cổ người. Dưới cái rét mùa đông, các thành viên đội rước kiệu đều ướt nhẹp tuy nhiên mọi người đều vui vẻ tham gia. Nhiều năm may mắn được chọn làm phù giá – rước kiệu – ông Nguyễn Văn Lơn chia sẻ: “Mỗi lần lên bờ rồi lao xuống nước đều là sự thử thách cho bất cứ chàng trai tham gia rước kiệu, thế nhưng  được chọn để khênh kiệu đều là niềm tự hào của mỗi người. Chúng tôi không đi theo lộ trình đã định sẵn mà phụ thuộc vào "ý bà chúa" ngồi trên kiệu”.  Ba chiếc kiệu đi đến đều nhận được sự hò reo, ủng hộ của người dân, khiến không khí lễ hội thêm náo nhiệt nhưng không kém phần linh thiêng. “Mặc dù nhà ở cách nơi tổ chức lễ hội hơn 10 km nhưng năm nào tôi cũng đến xem lễ hội vì theo chị, nghi lễ rước kiệu tại đây vừa ly kỳ, vừa hấp dẫn” - chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, xã Duy Nhất chia sẻ.

Dân làng rước kiệu

Mỗi buổi rước thường kết thúc đúng giờ chính Ngọ, 12h trưa, sau đó ba kiệu được quy tụ tại đền thánh Từ Đạo Hạnh. Tuy nhiên cũng có những năm nghi lễ kéo dài đến 15h chiều. Lễ hội là dịp để người dân Thọ Lộc nói riêng và xã Minh Khai nói chung tụ họp, cùng thành kính dâng lễ lên thánh Từ Đạo Hạnh, cầu xin các vị thánh phù hộ cho cuộc sống nhân dân no đủ, bình an. Chính bởi sự độc đáo, ly kỳ, hấp dẫn trong nghi thức rước kiệu; nét tâm linh trong lễ hội chùa Phượng Vũ mà dù thời tiết mưa phùn hay gió rét cũng không thể cản bước hàng nghìn du khách thập phương tìm về Thọ Lộc, Minh Khai xem rước kiệu quay trong lễ hội truyền thống của làng./.

Thanh Hoa (sưu tầm tổng hợp)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn