Du lịch Thái Bình và hành trình tiếp cận du lịch thông minh

13/12/2021
Trong những năm gần đây, khi thời đại công nghệ 4.0 ngày một phát triển, Thái Bình đã và đang triển khai mạnh mẽ với loại hình “Du lịch thông minh” - đây cũng được coi là loại hình mang tính đột phá trong thời gian vừa qua.

Ngày 27-5-2020, Thái Bình chính thức khai trương Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh có tên miền: http://dulichthaibinh.gov.vn và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động là Thai Binh Tourism (hỗ trợ hệ điều hành IOS và Android) sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Đây được coi là sự hỗ trợ cần thiết trong việc quảng bá những điểm đến lý tưởng trên mảnh đất “Quê hương năm tấn” cũng như cung cấp những thông tin thiết yếu một cách chính xác, kịp thời cho du khách khi muốn khám phá những điểm đến tại Thái Bình. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh đồng thời góp phần thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh sau khủng hoảng bởi tác động của đại dịch Covid-19, qua đó hướng tới mục tiêu xây dựng ngành du lịch chất lượng cao góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Hiện nay, trên toàn quốc 100% các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã có website du lịch. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại đã thiết kế, tích hợp được nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, dự báo thời tiết, các chức năng quy đổi tiền tệ,...thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Ứng dụng công nghệ hiện đại với ngành du lịch và phát triển du lịch thông minh là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Điều này đã được khẳng định trong nhiều văn bản pháp quy của Việt Nam như: Nghị quyết Trung ương số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch năm 2017, Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,...Đặc biệt, trước các diễn biến phức tạp từ dịch Covid 19, những năm vừa qua hoạt động du lịch thông minh tại các địa phương lại càng được chú trọng. Bởi đó không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm, mà trong những ngày nghỉ dịch khi mọi người được sống chậm lại thì các hoạt động và thời gian sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin lại trở thành thú vui cực kỳ bổ ích, không chỉ tăng cường sự hiểu biết về mọi miền trên Tổ quốc mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình giành nhiều thời gian để cùng giao lưu, trao đổi,...

Trước sự xuất hiện các biến thể mới đang ngày càng gia tăng khiến cho giới khoa học và các nước phải có sự thay đổi trong nhận thức cũng như cách tiếp cận và ứng phó với dịch bệnh: chuyển từ thích nghi với trạng thái “bình thường mới” dần sang “sống chung với đại dịch” và coi Covid-19 như một căn bệnh thông thường. Các doanh nghiệp du lịch phải có những giải pháp để thích nghi và hồi phục trở lại. Để thúc đẩy du lịch khởi động trở lại, cần nhanh chóng đổi mới, thích ứng và tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm hiểu nhu cầu của du khách, tìm hiểu các thị trường du lịch và sản phẩm mới qua mạng internet để dần khôi phục ngành du lịch theo hướng hiệu quả và an toàn. Việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi điểm đến an toàn, đây là các giải pháp để sớm phục hồi và trở thành động lực để ngành du lịch vượt qua thời gian khủng hoảng hiện nay. Đồng thời, các công ty lữ hành nói chung và lữ hành Thái Bình nói riêng cần củng cố các “điểm chạm” và trải nghiệm trực tuyến để tăng cường đổi mới ngành du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Điều này không còn quá mới mẻ: trang web chính thức của Tổng cục Du lịch đã có tour ảo đến những điểm du lịch phổ biến nhất cả nước, và một số hướng dẫn viên du lịch cũng đã tổ chức dẫn tour trực tuyến theo thời gian thực cho du khách quốc tế. Ngoài ra, một đoạn quảng cáo có tựa đề “Why not Vietnam” (“Tại sao không lựa chọn Việt Nam”) cũng đã được phát trên kênh CNN vào tháng 10 năm 2020 nhằm thúc đẩy lượng truy cập vào trang web.

Việc chúng ta cần làm hiện nay là gì? Đó chính là để người dân truy cập và tiếp cận nhiều hơn nữa đến các kênh điện tử thông minh này, coi đó như một thú vui trải nghiệm hàng ngày. Chính vì thế, một nền tảng dữ liệu lớn rất cần thiết, phải làm sao cho hình ảnh của du lịch hấp dẫn hơn, đẹp hơn.

Có thể nhận thấy, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi mỗi chúng ta từ các cơ quan chức năng, đến các doanh nghiệp du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường./.

                                                Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn