Không gian kiến trúc, cảnh quan Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn

23/11/2021
Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn bao gồm từ đường, lăng Lê Trọng Thứ và khu hồ Lê Quý, thuộc thôn Đồng Phú, xã Độc Lập huyện, Hưng Hà, cách thành phố Thái Bình khoảng 35 km về phía Bắc.

Lê Quý Đôn nguyên tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày mùng 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, tức là ngày mùng 2 tháng 6 năm 1726 ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thân phụ là Lê Trọng Thứ đậu Tiến Sĩ làm quan đến Thượng Thư  bộ Hình tước Hầu. Thân mẫu là Trương Thị Ích, con gái Tiến sĩ Trương Minh Lượng, làm quan Hoằng phái hầu. Thủa nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là thần đồng, năm 1739 theo cha lên kinh đô theo học thày là tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Năm 18 tuổi thi Hương đậu giải nguyên, sau ở nhà dạy học và làm sách. Năm 27 tuổi thi Hội đỗ đầu, thi Đình đỗ Bảng Nhãn. Lê Quý Đôn lần lượt làm việc tại Viện Hàn lâm, Ban Toản tu quốc sử, đi Liêm Phóng tham gia việc binh, đi sứ Trung Quốc, làm việc tại phủ Chúa Trịnh… được thăng dần các chức Hàn Lâm viên chỉ, Tư nghiệp Quốc tử giám, Bồi tụng, Quốc sử tổng tài, Hiệp trấn … Năm 1784 được thăng Thượng Thư  bộ Công, tước Nghĩa Phái hầu, cũng năm đó ông bị bệnh về nhà dưỡng bệnh tại quê ngoại là làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc tỉnh Hà Nam) ông mất tại đây ngày 14 tháng 4 âm lịch thọ 58 tuổi. Vợ ông là bà Lê Thị Trang con gái thày học Lê Hữu Kiều, ông có bốn con trai là Quý Kiệt, Quý Tá, Quý Châu, Quý Nghị.

Sự nghiệp trước tác của Lê Quý Đôn rất đồ sộ, ông đã làm khoảng 40 đầu sách các loại bao gồm hầu hết các tri thức đương đại như lịch sử, thơ văn,triết học, chú giải kinh điển, tổng loại… là kho tàng quý của nền học thuật nước nhà.

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn bao gồm ba công trình: Từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, lăng mộ Lê Trọng Thứ (thân phụ Lê Quý Đôn), hồ Lê Quý.

1. Từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn

Từ đường bao gồm tòa Bái đường năm gian, toà Trung đường và Hậu cung mỗi toà ba gian.Tiền thân Từ đường xưa là nhà ở của Lê Quý Đôn, khi phụ thân mất, Lê Quý Đôn mới cải thành từ đường, đến đời Lê Quý Kiệt đưa thêm cả bài vị Lê Quý Đôn về cùng ông nội. Dân địa phương quen gọi nơi đây là từ đường Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Tại sân trước toà từ đường còn lưu giữ được tấm bia đá đề: “Hà Quận Công Bi Ký” do cháu ngoại của Lê Trọng Thứ là Phạm Chi Hương soạn lời viết về tiểu sử của Lê Trọng Thứ, làm vào năm Tự Đức thứ 12 (1860). Một tấm bia do Bảo tàng Thái Bình mới làm vào tháng 1 năm 1999 ghi lại bút tích của đồng chí Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá về Lê Qúy Đôn và tiểu sử tóm tắt về Lê Qúy Đôn do Bảo tàng Thái Bình soạn lời. Tại tòa Bái đường còn lưu 3 bức hoành phi chữ Hán: “Vật bản thiên hồ”, “Văn hiến truyền gia”, “Hàn mặc lưu hương”.

         Từ đường Lê Quý Đôn có quy mô vừa phải, hầu hết xây hồi văn cánh bản, bộ khung kiến trúc được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ” bào trơn đóng bén. Trong di tích còn 2 cây đèn gỗ thời Lê (tương truyền Lê Quý Đôn thường để đĩa đèn, đêm đêm đọc sách và viết sách). Hiên trái nhà bên phải vẫn còn hàng nhãn già, nghe nói trồng từ lúc sinh thời Lê Quý Đôn.

            2. Lăng mộ Lê Trọng Thứ.

Lê Trọng Thứ (1693 - 1783), là quan đại thần thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là thân phụ nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến Lê Quý Đôn.

Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am tiên sinh, lúc nhỏ học hành rất sáng dạ, nổi tiếng là thần đồng, lớn lên theo học cụ Thám hoa họ Vũ ở Hào Nam. Năm Lê Trọng Thứ 27 tuổi đỗ hương tiến, năm 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ năm (1724), triều vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương, làm quan thanh liêm nổi tiếng trong ngoài, năm 65 tuổi về nghỉ với chức Hộ bộ Hữu thị lang. Ít lâu sau lại được vời ra làm quan lần thứ hai thăng đến chức Thượng Thư bộ Hình, rồi về nghỉ hưu ở tuổi 80.

        Trong cuộc sống, ông rất quan tâm đến việc rèn luyện con cái. Vì bận công việc ông đã giao con trai mình cho bạn đồng khoa là Hoàng Công Lạc, người cùng phủ dạy dỗ và nỗi niềm ông luôn gắn với quê nhà. Khi ông qua đời con cháu họ Lê đưa thi hài ông về làng chôn cất.

         Lăng mộ phụ thân Lê Quý Đôn chôn trên một gò đất cao, nhà hương phần làm kiểu xây cuốn, giả kiểu ngói ống, chồng diêm cổ các, mái cong đao guột trông khá bề thế, bảng ghi trên cổ các đề 4 chữ Hán “Diên Hà tướng công”. Xung quanh xây tường hoa thấp, cổng bổ trụ quả găng, trong vườn trồng ngâu trồng đại.

         Cho đến nay chưa ai biết mộ phần Lê Trọng Thứ đưa về đây từ bao giờ, chỉ biết lúc sinh thời: Lê Quý Đôn và con trai ông là Lê Quý Kiệt đã nhiều lần về tảo mộ và thờ cúng vị tướng công khai sinh ra dòng họ Lê Quý vẻ vang.

            3. Hồ Lê Quý.

            Năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) , ông xin triều đình trở lại quê nhà “đóng cửa viết sách”.  Để thư thái, có điều kiện để đọc sách và viết sách, Lê Quý Đôn cho đào một chiếc hồ lớn. Giữa hồ cho đắp một đảo nhỏ, trồng cây cảnh, xây một Thư Lân. Thời gian này ông viết nhiều sách “đặc biệt chú trọng đến địa lí” như : Địa lí tinh ngôn, Địa lí tuyển yếu… Có thể cả chương hình tượng và sản vật trong bộ Vân Đài loại ngữ cũng được chuẩn bị tài liệu từ thời kì này .

        Hồ Lê Quý hiện nay vẫn còn, rộng 9310m2 cách Từ đường 30m về phía Tây, hòn đảo xây Thư Lân cũ vẫn còn dấu vết móng.

Khu Lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn Hoá (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng theo quyết định số 235/VHQĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986.

Thái Bình, ngày 28/10/2021

                                                                         Vũ Mạnh Hùng

Bảo tàng tỉnh Thái Bình   

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn