Lễ khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện, chùa Báo Ân, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng

05/01/2021
Công trình xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh Ngôi Đại Hùng Bảo Điện - chùa Báo Ân, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng hoàn thành đưa vào sử dụng với tâm niệm “Tác nhất thời, lưu vạn đại” để lại cho hậu thế một tài sản vô giá và tô đẹp cho nền văn hóa của dân tộc về tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật đạo giữa lòng nhân thế

Sáng ngày 04/01/2021, tức ngày 22 tháng 11 năm Canh Tý, tại khuôn viên chùa Báo Ân, xã Đông Hợp long trọng tổ chức lễ khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện. Quang lâm và chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng Thích Trí Tịnh - Phó pháp chủ - Hội đồng chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam; Hòa Thượng Thích Thanh Dục - Ủy viên thường trực hội đồng chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam; Thượng Tọa Thích Thanh Hòa - Ủy viên Hội đồng trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình; Đại đức Thích Thanh Diễn - Ủy viên thường trực ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện cùng các vị Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa Đại đức Tăng - Ni và đông đảo các tín đồ phật tử.

Về phía chính quyền, buổi lễ có sự hiện diện của Đồng chí Phạm Văn Hằng- Phó Bí thư thường trực - Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Tô Xuân Thức - Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Bùi Bá Vường - ủy viên Ban thường vụ - Phó chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn - ủy viên Ban thường vụ - phó chủ tịch HĐND huyện cùng với thủ trưởng một số phòng, ban liên quan cùng các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, các ban ngành của xã, quý khách thập phương và nhân dân địa phương về dự.

Chùa Báo Ân cũng như các ngôi chùa khác ở Đồng bằng Bắc Bộ là một công trình văn hóa tôn giáo thờ phật, thờ Mẫu và thờ tổ các vị sư trụ trì chùa, trong đó có Hoàng thượng Luật Sư họ Trần, tự là Nguyên Uyên, người có nhiều công lao trong công tác mặt trận tôn giáo, có uy tín ở trong và ngoài tỉnh. Người đã được Trung ương hội phật giáo tặng pháp y, được Hồ Chủ tịch tặng áo lụa. Chùa cũng là địa chỉ đỏ để hằng năm khi bắt đầu hạ về, trường hạ Báo Ân tự đón các Tăng-Ni của ba huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà an cư kết hạ.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/anh_ld_huyen_71464803.jpg

Ảnh: Lãnh đạo Huyện ủy- UBND huyện Đông Hưng tặng hoa chúc mừng tại buổi lễ

Không gian Chùa không chỉ là một địa chỉ mang đậm dấu ấn tâm linh mà còn mang đậm dấu ấn vẻ vang gắn liền và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của mảnh đất và con người Đông Hưng nói chung và Đông Hợp nói riêng, nơi tổ chức hoạt động bí mật của nghĩa quân chống pháp của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19, là nơi diễn ra mít tinh kỷ niệm giành chính quyền Cách mạng tháng 8.

Tục truyền, chùa Báo Ân có từ trước thời Trần, trải qua bao biến động đổi dời, thăng trầm chìm nổi, chùa được trùng tu nhiều lần vào các thời kỳ khác nhau tuy nhiên đến nay công trình đã bị xuống cấp nghiệm trọng, gây mất an toàn cho các tín đồ, phật tử vào hành lễ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa làng xã trong quá trình kế tiếp tiền nhân xây dựng, bồi đắp nên cho bề dày LSVH và đáp ứng nguyện vọng của các chư tăng, phật tử chùa Báo Ân, ngày 05/9/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã ban hành văn bản số 741/SVHTTDL-NVVH về việc thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Báo Ân; các chư tăng, phật tử chùa Báo Ân quyết định khởi công trùng tu tôn tạo ngôi chùa với diện tích xây dựng 815m2 trong tổng số 7340 m2 khuôn viên di tích. 

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/0a6efd55aa2b5a75033a_390093023.jpg

Ảnh: Ngôi Đại hùng bảo điện được trùng tu khang trang, tôn nghiêm

Di tích được thiết kế theo lối kiến trúc chữ Đinh, bộ khung bằng bê tông giả gỗ và hệ thống cột đá được đắp vẽ tỉ mỉ công phu. Ngoại thất chùa được xây theo kiểu mái cong đao guột, hai tầng, tám mái, mái lợp ngói mũi, kìm nóc đắp rồng ngậm đại bờ, chính giữa đắp mặt nhật, các đầu đao đắp rồng và hoa lá cách điệu. Phía trước tòa tiền đường đắp một tòa vọng lâu được làm theo kiểu tam quan. Bên trong đặt tượng Phật Tổ, hai bên đặt tượng Văn thù Bồ Tát và Phổ hiền Bồ Tát. Xung quanh có hành lang rộng, không gian thoáng mát thuận tiện cho người dân khi đến tham quan và dâng hương tại chùa. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

https://scontent.iocvnpt.com/resources/portal/Images/TBH/pvh_dhg/anh_lay_phat_bieu_850201528.jpg

Ảnh: Đồng chí Phạm Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Đông Hợp phát biểu tại buổi lễ

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Đông Hợp đã ghi nhận những tấm lòng thiện tâm công đức của các quý khách thập phương, tín đồ phật tử cùng nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm đã ủng hộ sức người, sức của để xây dựng hoàn thiện quần thể di tích. Trải qua 14 tháng tu bổ di tích với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, đến nay công trình đã viên mãn hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân cùng quý khách thập phương, đồng thời góp phần bảo tồn được thiết chế bề thế, khang trang nhưng vẫn giữ được yếu tố gốc cấu thành di tích với dáng vẻ trầm mặc, cổ kính./.

Minh Thu

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn