Nhật Bản đã làm du lịch như thế nào _ Phần 1

24/12/2021
Ngành Du lịch Nhật Bản có doanh thu khiêm tốn 900 tỉ yên (năm 2013) chỉ bằng 1/12 du lịch Mĩ, 1/3 du lịch Anh. Nguyên nhân cho là đến từ việc khó khăn khi xin visa nhập cảnh, việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch còn hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, chi phí đắt đỏ, các tiện ích như ATM và các dịch vụ công cộng khó tiếp cận với khách nước ngoài, các qui tắc, luật lệ khá khắt khe...Vậy Nhật Bản đã thay đổi như thế nào để trở thành một điểm đến được nhiều du khách lựa chọn và mong ước đặt chân tới?

Ảnh chụp tại Tokyo, Nhật Bản

Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến du lịch Nhật bị sụt giảm mạnh, Nhật đã nới lỏng chính sách nhập cảnh cho khách nước ngoài. Cụ thể, năm 2013, Nhật đã miễn thị thực cho một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt nam, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực là 67 vào năm 2014. Tiếp đến là chính sách rớt giá đồng yên đẩy mạnh nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong quá trình lưu trú tại Nhật. Đồ nội địa Nhật vốn nổi tiếng về chất lượng nhưng được găn mác "xa xỉ" do giá trị đồng yên cao so với đô la Mĩ. Khi tỷ giá yên được điều chỉnh, du khách mạnh tay mua sắm, mang lại nguồn thu lớn cho du lịch Nhật. Thời điểm này còn đánh dấu sự bùng nổ của thị trường khách Trung Quốc gia tăng nhanh chóng về số lượng và mức độ chịu chi. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn với tài xế taxi đảo Okinawa - một vùng biển đảo xinh đẹp của Nhật, ông này nhận định lượng khách Trung Quốc đến du lịch tại đảo chiếm số lượng lớn và rất hào phóng trong việc mua sắm tại đây. Đơn cử, một thùng xoài Okinawa với mức giá 5000 yên (tầm 1 triệu đồng)/quả được các đoàn khách Trung Quốc nô nức mua đặt hàng mang về nước.

Ảnh chụp tại Mũi Voi, Okinawa

Song song với các chính sách vĩ mô về tài khoá, tinh giảm thủ tục hành chính, Nhật đã thúc đẩy việc quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch thông qua nhiều hình thức. Chiến lược này được thực hiện từ bước đầu tiên là nhận định xu hướng du lịch thông qua việc quan sát, phân tích hành vi của khách du lịch ở thị trường khách mục tiêu dựa trên số liệu thống kê với đòn bẩy là sức mạnh mạng lưới đa quốc gia. Tiếp theo là việc xác định phân khúc thị trường, vị trí của điểm đến thông qua việc lựa chọn các điểm du lịch có nguồn lực phù hợp với kết quả phân tích nhu cầu của thị trường khách mục tiêu. Sau đó, chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ độc đáo cho từng khu vực được thiết kế một cách rõ ràng: phân công cụ thể các nhiệm vụ cần làm, người thực hiện và thời gian hoàn thành. Bước cuối cùng là việc xúc tiến quảng bá được tiến hành trước, trong chuyến đi của khách, đảm bảo thông điệp du lịch sẽ tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Bước chân xuống sân bay quốc tế Narita Nhật Bản, khách quốc tế sẽ không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của các điểm đến được phô diễn tinh tế.

Ảnh chụp tại Phòng triển lãm tranh Hokkusai, Nhật Bản

Các bức tranh truyền thống khổ lớn được trang trí bắt mắt khắp lối đi. Tại đây, khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin về các điểm du lịch, cách đi lại thông qua các cuốn sổ tay đa ngôn ngữ (Anh, Trung, Hàn) phát miễn phí tại các quầy thông tin du lịch. Từ đây, một hành trình khám phá được mở ra trước mắt du khách./.

Ảnh Hồ Mikurigaike, Tateyama, Nhật Bản

Phạm Dương

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn