Niềm tự hào trên “Quê hương năm tấn”

24/12/2020

Hướng về lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, những ngày này, Quảng trường Thái Bình đón tiếp đông đảo các tầng lớp nhân dân trở về chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo trên “Quê hương năm tấn”, cùng nhau ôn lại 5 lần Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và những tình cảm thân thương Bác dành cho Thái Bình.

Những dấu mốc lịch sử

Thái Bình là vùng quê có phong trào cách mạng của nông dân phát triển sớm trong cả nước, trong đó phải kể đến hai cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và nông dân Tiền Hải năm 1930. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Thái Bình là tỉnh đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sinh thời, Bác Hồ về thăm Thái Bình 5 lần, những lần Bác về thăm đều gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Về thăm Thái Bình lần đầu tiên ngày 10/1/1946, Bác họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cho chủ trương và các biện pháp đắp đê, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngày 28/4/1946, khi biết tin nhân dân Thái Bình khắc phục được hậu quả hai quãng đê vỡ, Bác về thăm Thái Bình lần thứ hai và khen ngợi thành tích tăng gia sản xuất, kêu gọi mọi người phải đoàn kết, ra sức diệt giặt đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lần thứ ba về thăm Thái Bình, khi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân, Bác kết luận: “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”. Khi biết Thái Bình có phong trào khai hoang lấn biển và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, lần thứ tư Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Đến thăm Hợp tác xã Nam Cường, xã điển hình đi đầu trong phong trào khai hoang lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Bác khen ngợi và tặng Huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc. Tại hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi nhân dân Thái Bình có nhiều cố gắng trong tăng vụ, vỡ hoang, làm thủy lợi, phân bón và tặng Huy hiệu cho 14 chiến sĩ thi đua lao động sản xuất trong toàn tỉnh. Trong lần về thăm Thái Bình thứ năm, gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân sáng ngày 1/1/1967, Bác dành nhiều sự quan tâm cho sản xuất nông nghiệp. Người căn dặn: “Thái Bình có tiến bộ nhiều, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Cùng với 5 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, Thái Bình còn nhận được muôn vàn tình yêu thương của Bác. Trong nhiều năm theo dõi Báo Thái Bình tiến lên, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt, việc tốt đăng trên Báo. Bác đã hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình Cách chăn nuôi trâu, bò giỏi, khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi, khen Đội thủy lợi Quang Trung làm thủy lợi giỏi... Với những tình cảm sâu sắc Bác dành cho nông dân cả nước nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, tháng 5/2014 công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam đã được khởi công xây dựng tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Sau thời gian thi công, công trình đã hoàn thành, có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình./.

Ảnh: Công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam gồm nhóm tượng và các mảng phù điêu.

Tú Anh (Báo Thái Bình)

 

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn