Ông Phạm Bá Hợp (Thượng Hiền, Kiến Xương) cùng tâm nguyện tạo việc làm cho lao động làng nghề mây tre đan truyền thống

20/07/2021
Làng nghề truyền thống mây tre đan xã Thượng Hiền là một trong những điểm sáng kinh tế trên địa bàn huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Trong 4 năm trở lại đây, làng nghề truyền thống mây tre đan xã Thượng Hiền khôi phục mạnh mẽ. Ngay trong thời điểm nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, 2 doanh nghiệp lớn của địa phương vẫn duy trì được việc làm cho nhiều người dân. Một trong số đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại mây tre Phúc Linh, thôn Trung Quý do ông Phạm Bá Hợp là chủ cơ sở.

(Ảnh: Tại cơ sở sản xuất của ông Phạm Xuân Hợp - sưu tầm)

Vừa qua tuổi 60, ông Phạm Bá Hợp đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống mây tre đan của địa phương. Chừng ấy thời gian, ông đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau, khi thì bỏ mối nguyên liệu, khi lại tập trung sản xuất hàng. Ông Hợp đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng, trầm của nghề và rút ra được nhiều bài học quý báu cho bản thân. Trong đó, vấn đề cốt lõi là: thành công của việc làm nghề nằm ở người lao động; nằm trong việc hiểu được năng lực trình độ của bản thân để dự tính công việc cho chắc chắn, hiệu quả, đồng thời, cũng phải biết nắm bắt nhanh nhạy thị trường để có sự đầu tư hiệu quả.

Từ kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông Phạm Bá Hợp đã áp dụng vào định hướng sản xuất của gia đình. Vì vậy, tại cả những giai đoạn đi xuống của nghề, tổ hợp của gia đình ông vẫn được duy trì quy mô nhỏ và vừa khá hiệu quả. Để thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất, mở rộng đối tác liên kết sản xuất - kinh doanh, nhất là khi làng nghề có dấu hiệu phục hồi, ông đã bàn với vợ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại mây tre Phúc Linh. Công ty đa dạng trong hình thức liên kết thu mua, tiêu thụ nguyên liệu, thu mua - tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân, tổ hợp sản xuất trong và ngoài xã, song song với đó, xây dựng được mối quan hệ bền chặt với những đối tác tin cậy trong nước để liên kết tiêu thụ sản phẩm mây - tre đan xuất khẩu, chế biến sản phẩm gỗ hoặc trang trí nội thất. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khoảng 5 nghìn mét sản phẩm.

Suốt 4 năm qua, công ty tạo việc làm đều cho 150 hộ gia đình, tương ứng với từ 200 đến 250 lao động trong độ tuổi lao động, với mức thu nhập tùy theo tay nghề, đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.

Tôi chỉ có một tâm nguyện là làm sao cho bà con có công ăn việc làm, có thu nhập. Ngay cả khi dịch ảnh hưởng, gia đình cũng phải chấp nhận vay ngân hàng 4 tỉ đồng về để ôm hàng, giữ việc cho bà con, không để công việc ngắt quãng. Nếu không dịch qua đi thì nghề không thể khôi phục nhanh như ngày nay được. Mà dân có việc thì dù ít dù nhiều, hoạt động của công ty cũng được duy trì”, ông Phạm Bá Hợp trải lòng.

Bà con trong làng ai cũng phấn khởi. Qúi nhất là có 1 cái nghề để mà làm. Các cháu mở mang sản xuất, bảo mình vào làm thì mình vào làm, vì phù hợp với sức khỏe bản thân”, ông Phạm Bá Cương - một người lao động khuyết tật làm công đoạn chuốt mây tại cơ sở của ông Hợp vui vẻ nói.

Nhờ đường lối sản xuất kinh doanh đúng đắn, công ty Phúc Linh của gia đình ông Phạm Bá Hợp đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Ước tính mỗi năm doanh thu đạt 7 tỉ đồng. Năm 2020 là 9 tỉ, năm 2021 dự kiến đạt hơn 12 tỉ đồng.

Đã làm chủ thì phải quyết đoán, đem lại công việc, giữ niềm tin với dân. Làm đúng để giữ niềm tin với khách hàng thì giữ được làng nghề ”, ông Hợp chia sẻ bí quyết thành công của mình.

Gắn liền lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người lao động. Đây cũng là thể hiện cái tâm của người làm chủ doanh nghiệp, và cũng là cái nhìn đúng đắn để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn phát triển. Đó là điều mà ông Phạm Bá Hợp đã làm được ở ngay tại xã nghề mây tre đan Thượng Hiền.

Thế Công (Tổng hợp và sưu tầm)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn