Thái Bình – du lịch gắn liền với hệ thống Di tích lịch sử văn hóa- danh lam thắng cảnh

17/12/2021
Sinh thời Hồ Chủ Tịch đã nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, và khi chúng ta đi du lịch ngoài mục đích giải trí, nghỉ dưỡng thì việc tham quan, tìm hiểu, nắm bắt được các giá trị văn hóa truyền thống cũng là nét đẹp để từ đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng nền văn hóa lịch sử nước nhà .

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh Việt Nam là tài sản của nhân dân Việt Nam do thiên nhiên ban tặng, đồng thời là sản phẩm sáng tạo trong qua trình lao động dựng xây, gìn giữ, bảo vệ của bao thế hệ người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Đó chính là những biểu hiện của nền văn hóa và văn minh dân tộc nói chung và Thái Bình nói riêng.  Nó là sản phẩm nhưng cũng là hệ quả của quá trình vận động phát triển trong cơ tầng xã hội và giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa Việt Nam được coi là một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng cơ tầng Đông Nam Á”,và hệ thống di tích lịch sử -  danh lam thắng cảnh cũng mang trong mình những đặc trưng văn hóa dân tộc hết sức sâu sắc và đậm nét.

          Cũng như vậy, hệ thống di tích tại Thái Bình đại diện cho mảnh đất và con người quê lúa nói riêng, lưu giữ và trưng bày, phô diễn những hình ảnh về mảnh đất tươi đẹp mà anh hùng, cần cù, thông minh trong lao động sản xuất. Trong sự phát triển du lịch nói chung của nước nhà, các di tích tại quê hương chị hai năm tấn nằm trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam và trở thành các “điểm nhấn” để xây dựng các tuyến điểm du lịch văn hóa, mở rộng các tour du lịch văn hóa đặc sắc tới các vùng quê của đất nước, nối rộng và mở tầm hiểu biết cho nhân dân các địa phương, đồng thời khai thác thế mạnh của các vùng miền trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

          Và nếu nói tới Thái Bình thì biểu tượng mà ai ai cũng có thể biết đó là hình ảnh Tháp chuông tại Chùa Keo, một trong những ngôi chùa cổ có lối kiến trúc độc đáo, đẹp nhất Việt Nam. Với tuổi đời gần 400 năm, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa Việt. Về với Hưng Hà, dấu ấn 4 di tích lịch sử văn hóa: Đền Tiên La, Đền Trần, Hành cung Lỗ Giang, Khu lưu niệm nhà Bác học Lê Quý Đôn là những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, góp phần đưa Hưng Hà trở thành một điểm đến du lịch ấn tượng, hấp dẫn trong tỉnh, trong nước. Dừng chân tại Đền Tiên La – ngôi đền với sự cộng hưởng huyền diệu từ một danh thắng lịch sử, nơi đây thờ Thục Nương – một cô gái tài sắc vẹn toàn. Tiếp theo, tọa lạc trên mảnh đất thuộc thôn Tam Đường (xã Tiến Đức, Hưng Hà), di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần - Di tích quốc gia đặc biệt, được nhân dân cả nước biết đến là di tích quốc gia đặc biệt, một địa chỉ du lịch - văn hóa - tâm linh nổi tiếng, độc nhất vô nhị. Và một trong những hành cung lớn được nhà Trần xây dựng trên đất Hưng Hà ngày nay đó chính là Hành cung Lỗ Giang - thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cách khu di tích lịch sử các vị vua triều Trần ở làng Tam Đường khoảng 6 km về phía Đông. Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy một tổ hợp công trình kiến trúc đặc biệt tại Hành cung Lỗ Giang thời nhà Trần. Đó là hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật có kích thước lớn gấp 3 móng trụ vuông thông thường. Không thể không nhắc tới người con Hưng Hà - Nhà bác học được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới – Lê Quý Đôn, Ông là một thần đồng, một hiện tượng kỳ lạ của dân tộc, một tập bách khoa toàn thư, một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học... lỗi lạc. Trải dài trên mảnh đất Thái Bình còn có nhiều các di tích lịch sử nổi tiếng như: Di tích Đền đồng bằng, Khu di tích đình, đền, bến tượng  A sào,... tại huyện Quỳnh Phụ; đền Đồng Xâm tại huyện Kiến Xương,...

          Đưa du khách tới thăm các di tích lịch sử - văn hóa chính là hình thức phát triển du lịch bền vững mà ngành du lịch Thái Bình luôn chú trọng, hướng theo phát triển du lịch bền vững. Xét dưới góc độ vật thể, muốn du lịch phát triển bền vững thì các điểm tham quan du lịch phải tồn tại bền vững lâu dài. Dưới góc độ này, hệ thống di tích lịch sử văn hóa chính là những công trình bền vững nhất trong các loại hình kiến trúc. Trong đó, tính bền vững trước hết thể hiện rõ nhất trong  tính “thiêng” mà nó hàm chứa và cả bởi vì nó là tài sản chung của cả cộng đồng, được cả cộng đồng chăm lo, tu bổ, gìn giữ và bảo vệ, trao truyền cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như điều 4 Luật Du lịch đã nói rõ: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn  hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”.

                                                          Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn