Thượng Thư Lương Quy Chính - Nhà yêu nước, nhà trị thủy ưu tú của vùng đất Đông Hưng

01/04/2021
Trải qua 40 năm quan lộ, từ chức huấn đạo huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn (nay là Thủy Nguyên Hải Phòng), Lương Quy Chính làm tới các chức tuần phủ Lạng Sơn-Cao Bằng thời Tự Đức, tuần phủ Nghệ An (1885) thời Hàm Nghi, và cuối cùng vào thời Thành Thái đạt tới chức thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Đô sát viện, sung cơ mật đại thần, khâm sai đại thần, trước khi về hưu ở tuổi 70.

 

        Lương Quy Chính tên chữ là Đoan Tiêu, hiệu Hộ Khê, sinh năm Ất Dậu (1825) tại thôn Hưng, xã Phú Khê, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Hưng Đông, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Lúc 25 tuổi ông thi đỗ Cử nhân thứ 2 tại trường thi Nam Định, và chính thức nhập quan lộ ở tuổi 32. Dân gian quen gọi ông là cụ Thượng Hưng. Lương Quy Chính đã lần lượt kinh qua các chức Huấn đạo, Tri huyện, Tri phủ, An sát, Bố chánh, Viện trưởng viện khu mật, Thượng thư bộ hộ trong suốt cuộc đời làm quan của mình. Ông là người mẫu mực, sống ngay thẳng, liêm khiết, luôn quan tâm hết lòng đến đời sống của nhân dân.

Ảnh: Sông Sa Lung do Lương Quy Chính trực tiếp chỉ đạo khơi thông

Cuộc đời làm quan của Lương Quy Chính gắn liền với thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam. Nhậm Văn quan, đương Võ tướng, ông gánh vác trọng trách từ hết miền đồng bằng đến vùng biên giới của đất nước. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, vị quan họ Lương đã tỏ rõ là một người có tài, có chí, không quản ngại gian khó. Bằng tài đức văn thao võ lược, một lòng vì dân, vì nước, ông đã dẹp yên nội loạn, tạo điều kiện cho nhân dân những địa phương ông trông coi yên ổn làm ăn, đồng thời là người có công lớn trong việc gìn giữ an bình suốt vùng biên giới. Thời kỳ Pháp thuộc, do ngày càng tỏ rõ tư tưởng trung kiên chống Pháp nên cuối cùng Lương Quy Chính đã bị ép cáo lão hồi hương từ Vua Thành Thái bởi sự gièm pha từ bè lũ xu nịnh.

Ảnh: Cầu đá Đông, một trong những công trình do Lương Quy Chính chỉ đạo khởi kiến còn lưu lại đến ngày nay

Hồi hương khi đã 70 tuổi nhưng bằng lòng nhiệt tâm yêu nước, thương dân, Lương Quy Chính vẫn cống hiến tâm huyết vào công việc cải cách quê hương, làng xóm nhằm cải thiện đời sống của bà con nhân dân trong vùng. Ông đã thiết kế và chỉ huy thi công khơi đào sông mới từ làng Thọ Cao thông sang sông Thượng Hộ, đào từ Thọ Cao đến xã Phú Khê, xã Lập Bái (Hưng Hà), đào từ Lập Bái đến sông Thái Sư, khơi sâu thêm lòng sông cũ Quán Đào chảy ra Mỹ Xá và thông suốt từ cửa Hải Triều đến cửa Sa Lung. Sông chảy suốt chiều dài 3 phủ, dài trên 40km, về sau được người dân gọi là sông Thượng Hưng (có nghĩa: "sông do cụ Thượng thư làng Hưng đào" - tức chỉ Thượng Thư Lương Quy Chính). Đây là công trình thủy lợi có tầm quan trọng bậc nhất ở Thái Bình do tác dụng thông dòng, tiêu úng mùa mưa bão, nhờ việc tưới tiêu thuận lợi mà vùng đất dọc sông chuyển đổi được sang hai vụ lúa một năm, khiến đời sống người dân thêm ấm no, hạnh phúc. Cụ Thượng Hưng cũng là người tham gia thiết kế đào sông Kiến Giang nối từ xã Hội Khê (Vũ Thư) xuống sông Long Hầu và sông Lân với chiều dài trên 30km.

Ảnh: Lăng mộ Thượng Thư Lương Quy Chính tại xã Hồng Việt

Cho đến ngày nay nhân dân Đông Hưng nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung vẫn truyền tụng công ơn to lớn của Thượng Thư Lương Quy Chính với dân, với nước. Ông chính là tấm gương sáng của một nhà nho yêu nước, thương dân, xứng đáng với lòng biết ơn và tôn vinh của các thế hệ cháu con Phú Khê, Đông Hưng mãi mãi về sau. Truyền thống yêu nước, tận tuỵ hết lòng yêu nước, thương dân của vị Thượng Thư là giá trị văn hoá tinh thần trường tồn sẽ mãi được tôn vinh,  phát huy vì sự phồn vinh của dân tộc.

Ngày 12/7/1999 Từ đường Lương Quy Chính được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.

 

                          Minh Thu

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn