TRÌNH NGHỀ “TỨ DÂN” MỒNG BỐN TẾT TẠI DI TÍCH LA VÂN, QUỲNH HỒNG - MỘT TẦM NHÌN XUYÊN SUỐT NGÀN NĂM

03/08/2021

Làng nghề bèo dâu La Vân xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có hội trình nghề “Tứ dân” gọi nôm là “làm trò mồng Bốn tết” đầu xuân, nền nếp có từ thời Lý - Trần.

Thời cổ, làng có 5 giáp, mỗi Giáp có một đội trò. Mỗi đội phải đủ “Tứ dân”: Sĩ, Nông, Công, Cổ. Sau cách mạng Tháng Tám thêm “Binh” tức quân đội. “Diễn viên” đều là đàn ông hóa trang, gồm Sĩ: Vai thày đồ áo the, khăn xếp, quần cát bá trắng, giày Gia Định, trên khăn cài cái bút lông. Nông, tức nông nghiệp: có thợ cày, thợ cấy, trâu. Trâu chỉ có cái đầu trâu làm bằng cái gầu giai tát nước, bôi đen thêm họa tiết, do người đóng vai trâu cúi lom khom chụp lên đầu, vai đeo hai sợi chão buộc vào cày, chạy lắp xắp, đầu trâu hục hặc nghênh nghênh. Thợ cày tay cầm cày làm bằng bẹ dừa, cày như thật. Tay kia cầm thừng trâu, roi tre. Bà thợ cấy do nam đóng, vấn khăn, trùm khăn mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, yếm đỏ, áo cánh nâu không cài cúc, thắt lưng bó que, trong yếm độn vú giả càng to càng buồn cười, xắn váy quai cồng hớt lưỡi gàu, gánh một gánh mạ toòng teng, chạy nhũng nhẵng, cười tí tởn. Công, là anh thợ mộc, cầm cái rìu, chạy, múa may. Cổ, tức là “Bà buôn” do nam đóng; phần trên mặc như bà cấy, yếm đũi trắng, hơi sang, váy buông chùng, gánh đôi quang thúng, trên mẹt bày vài thứ hàng quê, nhũng nhẵng xối xả chạy chợ. Binh, là chú tốt đỏ, người cao lớn tay cầm giáo, chạy sau cùng. Chủ trò áo the khăn xếp, quần trắng, ống cao ống thấp, tay cầm loa, chạy tất bật.

Các đội trò xếp hàng trước cửa đình Miên phía bắc làng, lễ trình Thánh. Rồi các đội thi nhau chạy về phía miếu Thành Hoàng làng ở phía nam thôn. Chủ trò sấp ngửa vừa chạy vừa hô: “Làm trò mồng Bốn ối a!” Trống, thanh la khua ầm ĩ “Tùng tùng tùng, beng, beng, beng!” Dân làng rồng rắn chạy theo nhốn nháo càng vui. Thích nhất là xem các “Bà” giả bị tụt váy, rơi vú? Trâu giả rơi sừng, tuột chão? … “Tùng tùng tùng!” “làm trò mồng Bốn ối a!”, y như lệ cổ. Bỗng chủ trò phá lệ hô” “Bóp vú bà cấy ối a!”. Cả làng phá cười nghiêng ngả. Đến miếu Thành hoàng, các đội lần lượt vào sân lễ trình, đục đẽo giả, bà buôn vờ chạy chợ, lính đi nghiêm, thày đồ giả vờ lên lớp đọc mẫu, răn dạy. Thợ cày và trâu xuống “ruộng” cày tượng trưng. “Bà cấy” xuống cấy vài cây mạ, chắp tay lạy xuống “ruộng” ba vái. Thợ cày cũng bổ xuống ruộng bóp … “bà cấy”. Giằng nhau cười tóe loe. Thích nhất là xem “Trâu” và “Bà cấy”, “Bà buôn” giả đóng có giống thật không. Bọn trẻ con nhòm nhõm chờ vồ các đạo cụ lúc rã đám.

(Ảnh: Diễn lại cảnh trâu cấy trong hội trình nghề)

Năm nào vui nổ trời năm ấy được mùa. Cách đây cả ngàn năm, các cụ đã nhìn ra vai trò của “Sĩ” và đặt lên đầu tiên, nay mới nói “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu”; đặc biệt là đã nhìn ra cái gốc của sự thịnh vượng là ở “Tứ dân”, mà nay ta mới nhìn ra vai trò của kinh tế nhiều thành phần; đồng thời đã thấy rõ “Canh nông vi bản”, an toàn lương thực. Nét văn hóa khuyến nghệ “Tứ dân” (Bốn dân nghề) đầu xuân độc đáo quý hiếm này vẫn còn giữ được đến nay ở La Vân, Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Đây là một nghệ thuật, một ước vọng, một tầm nhìn xuyên suốt ngàn năm.

Tác giả: Nhà giáo ưu tú Vũ Quốc Huệ

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn