Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền

26/07/2023
Với giá trị tiêu biểu, Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chơi diều sáo là môn nghệ thuật dân gian tao nhã, được các nghệ nhân ở xã Song An bảo tồn và phát huy trong nhiều năm qua.

Từ xa xưa, hội làng Sáo Đền được coi là một hội lớn của trấn Sơn Nam Hạ, tổ chức trong quần thể Đốc Hỗ Điện. Tục chơi diều sáo được thực hành trong lễ hội Sáo Đền từ ngày 22 - 28 tháng Ba Âm lịch, chính hội là ngày 24 -26. Lễ hội có các nghi thức như tắm tượng, rước kiệu ngài Đô đài lực sĩ Đại tướng quân Nguyễn Tất Ứng từ đền Đồng Quàn, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư về cáo yết Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, giỗ Thánh Mẫu, thi diều và các trò diễn: chọi gà, cờ tướng, kéo co, bắt vịt, đi cầu ngô, đập niêu đất, tổ tôm...

Văn bia lưu giữ tại Sáo Đền ghi như sau: Tục chơi diều sáo gắn với truyền thuyết bà Ngọc Dao đưa Lê Tư Thành về quê lánh nạn. Để giải sầu, bà thường cho con thi diều với trẻ con trong làng. Một truyền thuyết khác lại cho rằng tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Đinh Lễ, người đã chỉ dẫn binh lính làm và thả diều vừa để động viên quân sĩ, vừa là ám hiệu chỉ huy quân. Vì thế, khi ông được cấp đất thế nghiệp ở An Lão, con cháu họ Đinh tổ chức thi thả diều để tưởng nhớ công lao của ông, dần dần trở thành một tục lệ trong lễ hội Sáo Đền. Dù là truyền thuyết nào đúng thì đều có chung một nội dung là tưởng nhớ công lao của tổ họ Đinh làng An Lão và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Tục thi diều sáo chỉ có vào ngày đại lễ (ngày 25 tháng Ba Âm lịch), gắn liền với các nghi lễ linh thiêng và có nhiều thể lệ khắt khe cùng với nội dung phong phú như: Thi diều to, sáo đẹp, thi sáo hay và độc đáo nhất là thi thả diều sáo qua câu liêm. Chiều ngày 25 là ngày đông vui, đặc sắc nhất của hội Sáo Đền. Trong buổi chiều này có các nghi lễ linh thiêng gắn liền với tục thi thả diều sáo qua câu liêm bao gồm: Lễ trình diều, lễ cầu phong, lễ rước Thánh mẫu ngao du sơn thủy và thi thả diều qua câu liêm.

Lễ trình diều: Vào lúc 13 giờ, đoàn rước kiệu, chủ diều tham gia thi diều vượt câu liêm cùng toàn thể nhân dân tề tựu tại sân đền để tiến hành lễ trình diều. Các diều dự thi đã được đánh số, phải là diều truyền thống (thường là diều cố định khung, được làm bằng tre, phất giấy dó hoặc các vật liệu khác, là diều thuyền, diều bần hay diều cánh tiên, không có đuôi, có đuôi thì phải bỏ đuôi), xếp thành các hàng ngay ngắn trước cửa Mẫu. Các chủ diều trong trang phục chỉnh tề cũng xếp hàng ngay ngắn bên cạnh. Vị Thủ nhang sẽ đọc số thứ tự của con diều và tên của chủ diều trước cửa Thánh mẫu, với sự chứng kiến của đông đảo nhân dân tham gia lễ hội. Ngoài ý nghĩa là trình diện diều của các chủ diều với Thánh mẫu, còn ngầm thể hiện sự kính trọng của các chủ diều với Thánh mẫu đồng thời cầu mong bản thân cùng với gia đình được Thánh mẫu che chở và diều của mình vượt qua được cuộc thi.

Sau lễ trình diều là lễ cầu phong, cầu cho gió lên để cuộc thi thả diều hôm nay diễn ra suôn sẻ. Nghi lễ cầu phong này gắn liền với nghi lễ cầu mùa của cư dân nông nghiệp xưa. Thủ nhang thỉnh Thánh mẫu xin âm dương bằng hai đồng xu để xin sự đồng ý cho tổ chức thi sáo diều. Xin được âm dương, vị Thủ nhang sẽ đánh ba hội trống dài để báo hiệu với đất trời, cỏ cây hoa lá, vạn vật rằng lòng thành của dân chúng đã được chứng giám, gió sẽ nổi lên. Như có một sự linh thiêng nào đó trong lễ cầu phong này bởi khi hồi trống dứt cũng là lúc gió Tây Nam cấp 3 - 4 nổi lên trong sự mong ngóng, hân hoan của toàn thể nhân dân tham gia lễ hội.

Khi lễ cầu phong kết thúc, toàn thể nhân dân sẽ rước Thánh ngự giá cuộc thi thả diều qua câu liêm. Tất cả mọi người trong đoàn rước trang phục chỉnh tề, màu sắc theo quy định, ai vào việc nấy, chờ dứt ba hồi trống chiêng thì bước vào rước theo thứ tự đội cờ, đội trống chiêng, đội bát bửu, bàn nhang, bàn ngũ quả, phường bát âm, đến kiệu của thần. Kiệu Mẫu do các cô thanh nữ trong làng khiêng, tiếp đến là kiệu của các tướng họ Đinh, kiệu của các công chúa, kiệu Thành hoàng, tiếp đến là các vị bô lão, các chủ diều đội diều, toàn thể nhân dân tham gia lễ hội. Đội múa sư tử với trống chiêng sôi động làm cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt. Trong tiếng chiêng trống rộn ràng, cờ xí rợp trời, đám rước đi qua cổng chính, vòng bên trái rồi đi quanh hồ bẩy mẫu trước cửa đền. Đến bãi đất trống đã được chuẩn bị từ trước để thi thả diều, đoàn rước dừng lại, các kiệu xếp ngay ngắn chỉnh tề, vị Thủ nhang sẽ tiến hành thả diều để Thánh mẫu ngự lãm trước. Diều thả để Thánh mẫu ngự lãm chính là con diều truyền thống, làm bằng giấy dó, bên trên gắn sáo, đã được trưng bày từ rất lâu trong cung cấm. Khi diều đã bay lên cao, vị Thủ nhang sẽ buộc chiếc diều ấy vào một chiếc cọc đã được đóng sẵn ở cạnh hồ; kiệu được rước lại về đền. Khi đoàn rước kiệu Thánh về đến đền, các chủ diều sẽ bước vào cuộc thi thả diều qua câu liêm. Quy chế thi diều vượt câu liêm được Ban tổ chức qui định rõ: Diều dự thi có kích thước từ 2,5m trở lên, không có đuôi, đeo sáo phù hợp; Dây thả diều phải là dây dù hoặc dây gai, độ dài không quá 50m; Diều và người tham gia thi diều phải có số dự thi của Ban Tổ chức.

Ở khoảng đất nổi giữa hồ, người ta chôn phần cán của hai chiếc sào bên trên có buộc hai chiếc câu liêm (có hình dáng như chiếc liềm), được mài rất sắc, một chiếc cao 4,5m, một chiếc cao 5m, phần cán giữa 2 câu liêm cách nhau từ 0.3m - 0.5m, lưỡi quay vào nhau thì khoảng cách giữa hai lưỡi câu liêm chỉ còn từ 0.2 – 0.3m. Theo hiệu lệnh, các diều sáo đã được Ban tổ chức đánh số thứ tự bước vào cuộc thi. Lần lượt từng chiếc một thi, diều này thi xong mới đến diều khác. Một chiếc diều sáo dự thi có từ 2 người trở lên: Một người đâm diều (diều to có thể từ 2 người trở lên để nâng diều) và người buông diều. Người đâm diều là người cầm diều, đỡ diều, đẩy diều lên khi có hiệu lệnh của người buông diều; người buông diều là người cầm dây và điều khiển dây diều để diều có thể bay lên. Người đâm diều sẽ đứng ở khoảng đất giữa hồ, cách câu liêm 15m, người buông diều đứng trên bờ, cách câu liêm 35m. Dây diều được đặt vào giữa hai chiếc sào đã gắn câu liêm trước đó. Khi tiếng còi của trọng tài cất lên, người đâm diều và người buông diều kết hợp ăn ý với nhau, đoán hướng gió, cấp độ gió, chọn thời điểm căng dây cho phù hợp để đưa diều sáo vượt qua câu liêm bay lên trời. Các diều sáo nào được buông, dây diều vượt qua được hai lưỡi câu liêm, bay lên trời thì được công nhận thắng cuộc và được trao giải thưởng. Khi diều đã vượt qua câu liêm thì được buộc vào những chiếc cọc đã được đóng sẵn trước đó ở ngay cạnh hồ, cách khu vực thi 20m. Ở cuộc thi này buộc người dự thi phải nhanh nhẹn, có kinh nghiệm và có sự phối hợp ăn ý hài hòa giữa người buông diều và người đâm diều bởi chỉ trong tích tắc là dây diều sẽ mắc phải lưỡi câu liêm, bị cắt đứt dây và rơi xuống.

Tục chơi diều sáo ở Song An trải qua gần 600 năm, có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó chứa đựng những câu chuyện lịch sử về một thời kỳ dựng nước và giữ nước của nhà hậu Lê ở trấn Sơn Nam Hạ nói chung và quá trình khởi dựng, phát triển làng An Lão nói riêng. Tục chơi diều sáo đã thể hiện được tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống của người dân nơi đây được gửi gắm qua cánh diều bay bổng và tiếng sáo vi vu. Đó là những phút thăng hoa của người dân lao động, là ý chí vượt lên mọi gian lao thử thách để mưu cầu hạnh phúc. Đồng thời cũng là niềm kiêu hãnh và khát khao một cuộc sống bình yên của con người. Thi đấu sáo diều, sâu xa là một nghi thức phổ biến của cư dân nông nghiệp Việt Nam nói riêng và của khu vực Đông Nam Á nói chung. Diều sáo có sự liên quan đến tiết khí và mùa màng của nghề nông, là biểu tượng của sự khô ráo mà cư dân nông nghiệp mong đợi trong suốt những ngày ẩm ướt, mưa lũ. Diều lên cao, sáo kêu to, rõ tiếng báo hiệu một thời tiết tốt lành, mặt khác nó còn có tác dụng điều hòa âm dương, nối mối quan hệ giữa trời với đất, giữa cao với thấp, giữa khô tạnh và ẩm ướt. Tục chơi diều sáo còn góp phần cố kết cộng đồng làng xã và cộng đồng những người chơi diều ở các địa phương khác. Thả diều là một sản phẩm văn hóa của cộng đồng có giá trị, ảnh hưởng tích cực và cần thiết đến đời sống tinh thần của người dân. Chơi diều sáo còn mang tính khoa học, giáo dục và giải trí bởi diều sáo cũng như các trò chơi dân gian khác có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn lao động sản xuất, được ông cha ta đúc kết từ nhiều thế hệ: kỹ năng, kiến thức trong làm diều; rèn luyện tính kiên trì, khéo léo, nắm được các nguyên tắc vật lý như lực nâng, trạng thái cân bằng, hiểu thêm về hình học, khí động học, kết cấu, vật liệu…; mang đến sự hưng phấn cho người chơi.

Với giá trị tiêu biểu, Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4586/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Thanh Hoa (sưu tầm tổng hợp)

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn