Ứng dụng công nghệ số trong trưng bày tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình

06/08/2021
Nhằm lưu trữ tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để phục vụ công tác tra cứu, công tác trưng bày lâu dài và rộng rãi tới công chúng chưa hoặc không có điều kiện tham quan Bảo tàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, giới thiệu trưng bày bước đầu được Bảo tàng tỉnh triển khai và thực hiện hiệu quả.

Thời gian qua, Bảo tàng Thái Bình đã từng bước số hóa các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồ sơ di tích, các thước phim ảnh…Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính tư liệu đã được số hóa đang phát huy tối đa hiệu quả trong việc chuyển hóa công tác tuyên truyền của bảo tàng. Việc thực hiện số hóa qua các công đoạn chính gồm: Số hóa các hiện vật; lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Cao Thị Thơi - Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh Thái Bình chia sẻ “Thực hiện công nghệ số để quản lý phần mềm theo Cục Di sản, tất cả các tư liệu, hình ảnh, hiên vật, thước phim được chúng tôi mã hóa. Đến nay, chúng tôi đã mã hóa trên 20 nghìn tư liệu, hiện vật, phim ảnh để phục vụ cho việc tra cứu, thuận lợi và hiệu quả.”

Hiện nay, Bảo tàng Thái bình đang quản lý hơn 47 nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh…trong đó có 1 bảo vật Quốc gia.  Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bảo tàng đã đề ra các phương án truyền thông qua mạng xã hội, tăng sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng. Hoạt động này cũng nhằm khai thác những bộ sưu tập có giá trị đang lưu giữ tại kho của bảo tàng vì thiếu điều kiện chưa thể đem ra trưng bày phục vụ công chúng.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật  nói riêng tạo ra cơ hội mới  trong việc hấp dẫn du khách nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn bởi nhu cầu tiếp cận những giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.

Chia sẻ việc triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, ông Đỗ Quốc Tuấn – Giám đốc Bảo Tàng Thái Bình cho biết: "Nếu tình hình dịch kéo dài, chúng tôi sẽ tập trung triển khai đưa tài liệu, hình ảnh, hiện vật của trưng bày chuyên đề giới thiệu tới công chúng thông qua mạng xã hội: như Zalo, facebook; nghiên cứu tài liệu, hiện vật để xây dựng chương trình tham quan, trải nghiệm mới theo từng chủ đề và thuyết minh hấp dẫn hơn đối với khách tham quan; Scan tài liệu, hiện vật hoàn chỉnh dữ liệu quản lý chung, phục vụ cho những năm trước mắt và lâu dài. Đây cũng là cơ sở để phân công cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh nghiên cứu lập hồ sơ lý lịch hiện vật trong quá trình sưu tầm để nhập kho cơ sở."

(Ảnh: Cán bộ bảo tàng kiểm tra hiện vật để phục vụ công tác lưu trữ)

(Ảnh: Cán bộ bảo tàng đang thực hiện công đoạn số hóa hiện vật trên máy tính)

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, giới thiệu trưng bày, một số hoạt động trải nghiệm cho công chúng đồng thời cũng sẽ ứng dụng trong các lĩnh vực hoạt động khác của Bảo tàng, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật, bảo quản và liên kết phát huy nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng trong bối cảnh hiện nay./.

Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Bình

Sovhttdl.thaibinh.gov.vn

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn