Về với Kiến Xương – khám phá các hoạt động du lịch trải nghiệm

21/11/2023
Huyện Kiến Xương nằm ở phía nam của tỉnh Thái Bình, cách thành phố Thái Bình khoảng 14km , cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 124 km. Nơi đây tập trung phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm.

Cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thuỷ văn, thổ nhưỡng, do địa phương không có biển nên đã tập trung vào việc phát triển đa dạng các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, nông sản và các loại hình dịch vụ. Với bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử được lưu giữ từ bao đời nay đã tạo nên một miền quê nông nghiệp trù phú nhiều bản sắc, toàn huyện có 44 lễ hội được diễn ra hằng năm phân bổ các xã, tiêu biểu như lễ hội đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái được tổ chức vào ngày 01/4 âm lịch với nhiều loại hình văn hóa của quê hương trong đó có môn bơi trải truyền thống và trưng bày sản phẩm truyền thống của làng nghề kim hoàn - làng nghề chạm bạc nổi tiếng đã thu hút khoảng 3000 người tham gia, là dịp các phường bạc ở khắp nơi trong cả nước về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề. Đây cũng được coi là lợi thế trong phát triển du lịch của địa phương.

Hình ảnh: Tham quan trải nghiệm hoạt động chạm bạc Đồng Xâm tại cơ sở

         Những năm qua, Huyện Kiến Xương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt , có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực tăng dần công nghiệp đô thị, thương mại – dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Huyện thực hiện tốt các cơ chế chính sách để kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào huyện. Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-BCĐ ngày 12/9/2022 của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Thái Bình được ban hành; Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện như: tham mưu các văn bản chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội và bảo tồn các di tích lịch sử; cùng với đó là việc phát triển các làng nghề và sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trên địa bàn toàn huyện hiện  có 127 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 25 làng nghề duy trì sản xuất, nhiều làng nghề, sản phẩm làng nghề có chiều hướng phát triển tốt như: Chạm bạc Đồng Xâm xã Hồng Thái, Dệt đũi xã Nam Cao, Mây tre đan xã Thượng Hiền, Mắm cáy xã Hồng Tiến... Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển du lịch cũng được địa phương rất chú trọng.

          Một trong những giải pháp mang tính chất lâu dài trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng – lợi thế của địa phương, lấy điểm nhấn là các làng nghề tiêu biểu và kỳ vọng sẽ đưa Kiến Xương trở thành điểm đến đặc thù của tỉnh Thái Bình, mang tính cạnh tranh cao của vùng đồng bằng sông Hồng trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có về tài nguyên, sản phẩm thủ công là chủ lực và tiềm năng kinh tế địa phương. Hiện nay, huyện có 08 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (mắm cáy - xã Hồng Tiến, rượu đinh lăng – xã Hồng Tiến, củ cải khô – xã Vũ Lễ, gạo nếp – Vũ Tây, mây tre đan xuất khẩu - xã Thượng Hiền, đồ đồng mỹ nghệ Thái Úy - xã Hồng Thái, gạo chợ Gốc - Bình Thanh; gạo Khang Long - xã Vũ Quý). Huyện đã và đang xây dựng quy hoạch phát triển không gian du lịch như: Khu du lịch tâm linh gắn với làng nghề gồm các xã Tây Sơn, Hồng Thái, Thượng Hiền, Nam Cao,…; khu du lịch sinh thái gồm các xã ven sông Hồng: Vũ Bình, Minh Tân, Bình Thanh , Hồng Tiến,… trồng cây nông nghiệp bản địa kết hợp lúa rươi phục vụ du lịch; khu du lịch trải nghiệm gồm Trà Giang, Quốc Tuấn, An Bình nuôi thủy sản. Đây là lợi thế để xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hình ảnh: Hoạt động dệt đũi xã Nam Cao

Bên cạnh đó, huyện đã khuyến khích và tạo điều kiện các tổ thợ, nghệ nhân phấn đấu có nhiều sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để vinh danh các cơ sở tích cực, tâm huyết với nghề, đã phấn đấu tạo ra những sản phẩm được công nhận là tiêu biểu, nổi bật của huyện. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 05 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (bộ trầu cau đồ thờ bằng đồng và tranh đốc lịch bằng đồng của cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Phưởng thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái; bức tranh cội nguồn quê hương chất liệu bằng đồng và tẩu thuốc xì gà chất liệu bạc nén, mạ vàng 9999 của cơ sở sản xuất Đặng Văn Tuất, thôn Phú Ân, xã Lê Lợi; bộ chăn ga gối tơ tằm tự nhiên của Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao). Đặc biệt, làng nghề dệt đũi xã Nam Cao đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật Quốc gia - là lợi thế lớn nhằm quảng bá nét đặc trưng và ưu thế phát triển du lịch của huyện Kiến Xương đến đông đảo mọi người. Những năm gần đây, có rất nhiều các đoàn khách đã đến tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất đặc trưng tại địa phương, nắm bắt xu thế qua đó tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư. Đồng thời tạo ra các cơ hội giao lưu văn hoá giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó là việc tạo điều kiện cho hộ dân xây dựng mô hình kinh doanh thích hợp với điều kiện, kinh tế hộ gia đình. Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ, đẩy mạnh việc phát triển xuất khẩu hàng hoá nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện cần tập trung thông tin xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, không ngừng liên kết với các công ty du lịch xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối các tuyến du lịch liên huyện, liên tỉnh.

Hình ảnh Hoa gạo 

          Khi đến với Kiến Xương chắc chắn du khách sẽ có được nhiều thú vị, khác biệt, với nhiều trải nghiệm, đặc sản địa phương, cùng cảnh quan phong phú và ẩm thực đặc trưng của miền quê mang đậm nét đồng bằng Bắc Bộ.

Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn