Thái Bình khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

30/06/2022
Là tỉnh thuộc vùng du lịch đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ, Thái Bình có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển du lịch, du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hóa lịch sử lễ hội.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình – Trương Thị Hồng Hạnh

Thái Bình - quê hương “chị Hai năm tấn” cái tên quen thuộc đã thấm nhuần trong lòng không chỉ mỗi người con Thái Bình mà trên cả chiều dài hình chữ S. Với đặc trưng tiêu biểu văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, nơi đây chứa đựng nhiều giá trị chiều sâu văn hóa Việt với ý chí vươn lên mạnh mẽ của vùng đất anh hùng.

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình – Trương Thị Hồng Hạnh về phát huy bản sắc văn hóa, đẩy mạnh thu hút du dịch tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2021 – 2025.

Thái Bình là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch khá phong phú, có mối liên hệ du lịch thuận tiện với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng. Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, ngành VHTTDL đã phát huy di sản văn hóa, tạo lợi thế thu hút du lịch như thế nào, thưa bà?

Trải qua quá trình hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc, Thái Bình là một vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”. Với nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nổi tiếng, toàn tỉnh có 113 di tích quốc gia, 523 di tích cấp tỉnh, nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần; Đền Tiên La, Đền Đồng Bằng, Đền Đồng Sâm, Đình, đền, bến Tượng A Sào, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, khu lưu niệm Bác Hồ,... Tỉnh còn có 483 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có 8 lễ hội được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là nguồn tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh quý giá mà nhiều địa phương khác không có được.

Đây cũng là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng văn minh lúa nước sông Hồng, với những làn điệu chèo làng Khuốc; múa Giáo cờ giáo quạt làng Giắng; múa Bát dật xã An Khê; hát trống quân mượt mà đằm thắm cùng 2 di sản văn hóa phi vật thể trình diễn dân gian là múa rối nước Nguyên Xá, Đông Các và ca trù ,..., với rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, bánh cáy làng Nguyễn, thêu Minh Lãng, chiếu Hới, dệt Phương La, làng vườn Bách Thuận,… Đó là những tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo có sức cuốn hút mạnh mẽ khách du lịch tìm đến với Thái Bình.

Bên cạnh đó, Thái Bình có trên 53 km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường (Thái Thụy),... còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển.
Thái Bình cũng là quê hương của nhiều đặc sản biển, đặc sản nông nghiệp nổi tiếng rất hấp dẫn khách du lịch. Tiềm năng và khả năng phát triển du lịch tỉnh Thái Bình khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Vùng và cả nước.

- Tỉnh Thái Bình đã xây dựng tầm nhìn, chiến lược, để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, là điểm đến hấp dẫn du khách và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như thế nào, thưa bà?

Phát triển du lịch đạt tốc độ nhanh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá của Thái Bình, thân thiện với môi trường.

 “Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Thái Bình đã xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút khách du lịch, tăng tỷ trọng khách lưu trú, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Bảo đảm tốc độ tăng trưởng trung bình: Khách quốc tế: 10 - 12%/năm (2021 - 2025) và 8 - 10%/năm sau năm 2025; Khách nội địa: 13 - 15%/năm (2021 - 2025) và 10 - 12%/năm sau năm 2025; Đến năm 2025 đón được khoảng 1.650 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón được 2.416 nghìn lượt khách, trong đó có 16 nghìn lượt khách quốc tế.

Tăng nhanh nguồn thu từ du lịch, phấn đấu đến 2025 đạt khoảng 1.985 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 3.366 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình GRDP du lịch đạt khoảng 18% giai đoạn 2021-2025 và khoảng 11%/ năm giai đoạn 2026 – 2030. Đảm bảo phát triển số lượng cơ sở lưu trú phù hợp nhu cầu từng giai đoạn đi đôi với đẩy nhanh nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. Phấn đấu đạt được khoảng 5.100 buồng năm 2025 và khoảng 9.500 buồng năm 2030, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 20% - 30% trong giai đoạn đến năm 2030. Đến năm 2025, tạo được 24.600 việc làm; năm 2030 tạo được  hơn 46.700 việc làm, trong đó có khoảng 14.600 lao động trực tiếp. Góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư vùng nông thôn...

Phát triển sản phẩm chất lượng cao đi đôi với đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đến năm 2025, phát triển hoàn chỉnh Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, Chùa Keo thành Điểm du lịch quốc gia và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác như Khu du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, Cồn Đen, Cồn Vành, Cồn Thủ để làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh; Phát triển huyện Hưng Hà trở thành địa bàn trọng điểm du lịch; Phát triển hoàn chỉnh các tuyến du lịch chính của tỉnh theo đường bộ, tuyến du lịch đường sông (theo sông Trà Lý). Xây dựng sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, lễ hội và tâm linh Chùa Keo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, từng bước hình thành thương hiệu du lịch tỉnh. Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Thái Bình.

Mở rộng phát triển du lịch biển như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao biển; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái ven biển...để mở rộng thu hút khách du lịch quốc tế; Tăng cường phát triển các loại hình vui chơi giải trí và các sản phẩm du lịch bổ trợ khác; Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, xây dựng một "Bảo tàng văn minh lúa nước" với những hình ảnh sống động về đời sống, trải nghiệm văn hóa đồng quê sẽ tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho toàn vùng, hấp dẫn khách du lịch kế cả trong nước và quốc tế.

Du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với văn hóa ẩm thực và các đặc sản tự nhiên: Tổ chức tại các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, thêu Minh Lãng, vườn Bách Thuận, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới,…và tại các khu, điểm du lịch; Du lịch cuối tuần kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển: Cồn Đen, Cồn Vành và vùng rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Hiện nay, Khu du lịch sinh thái Cồn Đen đang được xây dựng thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, có khu vui chơi giải trí, khu du lịch văn hóa tổng hợp và trung tâm mua sắm, thương mại, là nơi diễn ra các cuộc picnic, nghỉ dưỡng với các trò vui chơi, giải trí bên biển như: Câu cá, lướt ván, đánh bóng chuyền bãi biển; Rừng ngập mặn Thụy Trường thích hợp phát triển du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan, nghiên cứu, khám phá, trải nghiệm. Các loại hình du lịch khác: Du lịch kèm theo các sự kiện đặc biệt (MICE) như thương mại, công vụ, hội nghị hội thảo, sự kiện thể thao...ở thành phố Thái Bình và tại các khu du lịch.

Để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trong định hướng phát triển của ngành du lịch Thái Bình đến năm 2030, vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, phương tiện vận chuyển khách, các cơ sở đào tạo, tuyên truyền quảng bá,…giữ vai trò hết sức quan trọng. Đầu tư du lịch Thái Bình từ nay đến năm 2025 là 4.350 tỷ đồng (197 triệu USD), từ 2025 - 2030 cần khoảng 3.730 tỷ đồng (169 triệu USD). Tổng nhu cầu đầu tư toàn giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 8.080 tỷ đồng (tương đương 366 triệu USD theo giá hiện hành). Từ đó sẽ tạo nền tảng để thu hút du lịch trên địa bàn.

- Sau khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, bà hãy cho biết nhiều điểm đến trong tỉnh Thái Bình đã thu hút du khách trở lại, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ lễ và dịp cuối tuần như thế nào?

Năm du lịch quốc gia 2022 là cơ hội để các đơn vị du lịch, lữ hành trong toàn tỉnh nói chung và các khu du lịch sinh thái đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm du lịch đặc sắc của mình tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Chúng tôi tăng cường xúc tiến quảng bá, truyền thông đến khách du lịch nội địa và các doanh nghiệp du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo cho lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá để du khách tiếp cận các điểm du lịch một cách nhanh nhất.

Là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động du lịch hè 2022, trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại khu du lịch sinh thái cồn Đen, xã Thái Đô (Thái Thụy, Thái Bình) đã được khai trương với khoảng 200 loại sản phẩm là nông sản, hải sản, thảo dược, đặc sản vùng miền không chỉ của các địa phương trong tỉnh Thái Bình mà còn đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời đã triển khai một số công trình mới, mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như dãy nhà nghỉ Bungalow dưới rừng thông, khu vực đồng quê với hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, những vườn hoa rực rỡ sắc màu,...

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh và xã Bách Thuận (Vũ Thư) đang tích cực phối hợp với tổ chức Car Free Day của Nhật Bản khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Bách Thuận còn sở hữu nhiều vườn cây cảnh độc đáo. Bách Thuận chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh Thái Bình từ năm 2002. Ngày 29/4 - 3/5/2022, Bách Thuận đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại làng vườn trong thời gian tới.

Một số hình ảnh Làng vườn Bách Thuận hướng đến mô hình du lịch xanh:

Thái Bình đang trên đà phát triển hướng tới cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ, thương mại. Nhận thức đúng, hành động đúng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Do đó, Thái Bình cần tập trung có những hành động mạnh mẽ để thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Thái Bình một cách hiệu quả, phát huy tối ưu được tiềm năng và thế mạnh. Từ đó Thái Bình từng bước khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch cả nước, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn