Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy dự Đại hội Đại biểu Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình

06/12/2022 06/12/2022 2548 0 36 Quang Trung, thành phố Thái Bình
(TITC) – Ngày 6/12/2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình tổ chức Đại hội Đại biểu khóa III, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy tham dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Ban Chấp hành Hiệp hội du lịch Thái Bình đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà đại hội II đã đề ra và đã đạt được những kết quả nhất định.

Về tiềm năng phát triển du lịch, Thái Bình là tỉnh nằm ở Đông Nam Đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Diện tích tự nhiên 1.586km2, dân số 1,942 triệu người. Nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Tài nguyên chủ yếu của Thái Bình là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, văn hoá, lịch sử, lễ hội và du lịch cộng đồng, có thể kể đến như bãi biển Cồn Vành, Đồng Châu (huyện Tiền Hải), khu du lịch sinh thái Cồn Đen, bãi biển vô cực Thụy Hải, rừng ngập mặn Thụy Trường (huyện Thái Thụy), khu di tích đền Trần, đền Tiên La (huyện Hưng Hà), đền A Sào, đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ), di tích chùa Keo, khu tưởng niệm Bác Hồ, làng thêu Minh Lãng, làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư), đền thờ Bác Hồ (Thành phố Thái Bình), chạm bạc Đồng Xâm (huyện Kiến Xương)...

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: BTC

Bên cạnh các khu, điểm du lịch và lễ hội truyền thống, Thái Bình còn có các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như Bánh cáy Làng Nguyễn (huyện Đông Hưng), nộm sứa, gỏi nhệch (huyện Thái Thụy), canh cá, bánh đa (huyện Quỳnh Phụ), bánh gai Đại Đồng (huyện Vũ Thư)...

Mặc dù có tiềm năng nhưng du lịch Thái Bình vẫn chưa thu hút đầu tư khai thác phát triển đáp ứng với vị trí, yêu cầu đổi mới của địa phương. Vì vậy đại hội lần này sẽ tổng kết đánh giá đúng thực chất, tình hình kết quả hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ 2016 -2021, phân tích những hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Từ đó xác định và đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ mới 2022-2027. Đồng thời đại hội cũng kiện toàn, bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới với số lượng, cơ cấu phù hợp, có đủ trình độ, năng lực, uy tín lãnh đạo, để đưa hoạt động của Hiệp hội và ngành du lịch của Thái Bình phát triển mạnh hơn. Thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thái Bình lần thứ XX về phát triển du lịch và đề án quy hoạch phát triển du lịch Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đưa du lịch Thái Bình nhanh chóng hội nhập và phát triển ngang tầm với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội Du lịch Thái Bình đã đạt được những thành công nhất định, chứng tỏ được vị thế của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là ngôi nhà chung của doanh nghiệp hội viên, đóng vai trò điều phối mạng lưới liên kết; phát triển sản phẩm du lịch; tham gia đào tạo bổ sung nguồn nhân lực du lịch chất lượng cho địa phương.

Toàn cảnh đại hội

Tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng các chỉ tiêu phát triển du lịch của tỉnh Thái Bình đã cơ bản đạt được mục tiêu. Đặc biệt du lịch Thái Bình đã xây dựng được hình ảnh là điểm đến thân thiện, mến khách với đặc trưng của nền văn minh lúa nước Đồng bằng sông Hồng gắn với các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp hội còn tích cực tuyên truyền, phổ biến và vận động hội viên thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phát triển du lịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch địa phương xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thái Bình với thông điệp “Vùng đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc”; xây dựng đề án phát triển du lịch Thái Bình; nghiên cứu hình thành các tuyến điểm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch 6 tỉnh Duyên hải Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và trên cả nước nói chung.

Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Thái Bình đã kịp thời kiện toàn đội ngũ Ban Chấp hành, Ban thường vụ Hiệp hội, kết nạp được nhiều hội viên mới và hình thành được 05 hội nghề gắn với du lịch là Hội hướng dẫn viên và lữ hành; Hội khách sạn, nhà hàng; Hội đầu bếp chuyên nghiệp; Hội vận tải khách du lịch và Hội khu điểm du lịch, góp phần chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của Hiệp hội. Hiệp hội còn tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động tuyên truyền quảng bá, phát triển du lịch địa phương…

Để đạt được mục tiêu theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đầy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh; tăng cường xúc tiến quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch…

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Thái Bình nhiệm kỳ 2022-2027 cần tập trung phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch địa phương phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội và các địa phương; chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch.

Phó Tổng cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Đại hội hôm nay bầu ra được Ban Chấp hành mới đủ năng lực, kinh nghiệm để gánh vác trọng trách của du lịch địa phương, nâng cao hình ảnh Hiệp hội Du lịch Thái Bình nói riêng và hình ảnh du lịch Thái Bình nói chung, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trích nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch

Bản đồ

Lịch trình của bạn