Đồng chủ trì Hội nghị có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị. Ảnh: TITC
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phiên làm việc buổi sáng của Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành văn hoá, thể thao, du lịch đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo. Thủ tướng đã dành nhiều thời gian để nêu bật những thành tựu của toàn ngành trong thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ngành thực hiện trong thời gian tới.
Tiếp nối chương trình Hội nghị, tại phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các lãnh đạo, đại diện các đơn vị tiếp tục làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, tập trung nêu rõ những điểm nghẽn, khó khăn, hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, phương hướng cụ thể để triển khai thực hiện.
Các lãnh đạo, đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TITC
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, lãnh đạo, đại diện một số đơn vị báo cáo kết quả công tác năm 2023, đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công việc, nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực đã phát biểu, làm rõ hơn đối với từng nhóm vấn đề. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, lĩnh vực thể thao luôn được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao đối với Cục Thể dục thể thao để tìm giải pháp nâng cao thành tích thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trên cơ sở phân tích, làm rõ các thế mạnh của thể thao Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục Thể dục thể thao cần triển khai kế hoạch, tập trung đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế. Đồng thời cùng các đơn vị liên quan chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp nâng cao thành tích của vận động viên tại đấu trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt, cần tập trung chuẩn bị chu đáo cho Olympic 2024 tại Pháp và Asiad 20 tại Nhật Bản để giành thành tích cao cho thể thao Việt Nam.
Trong hoạt động chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Bộ VHTTDL đang triển khai dự án về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ. Lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị kiện toàn trang thiết bị, trình độ nghiệp vụ của cán bộ để triển khai thành công dự án, kết nối các đơn vị vào mạng lưới nền tảng dùng chung của Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TITC
Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa - nghệ thuật cần chủ động khắc phục khó khăn, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp về cơ chế, chính sách để cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Cần tập trung đầu tư cho một số trường trọng điểm, có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, từ đó trở thành đầu tàu kéo các trường khác đi lên. Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật để trình, sớm đưa Nghị định đi vào đời sống.
Về vấn đề thể chế, Thứ trưởng Trinh Thị Thủy nhấn mạnh, vấn đề xây dựng thể chế trong năm 2024 là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm và phải được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng đề nghị cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, khắc phục những khoảng trống; đối với các văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tế cần phải thay thế.
Về công tác quản trị nội bộ, thanh tra kiểm tra, trong năm 2024, quán triệt tinh thần người đứng đầu chịu trách nhiệm rà soát, nâng cao công tác quản trị nội bộ tại các đơn vị. Đối với công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị chủ động từ sớm, từ xa, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội và các cơ quan hữu quan.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TITC
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị, các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng cũng như những trao đổi nghiệp vụ cùng các đơn vị khác để triển khai áp dụng, vận dụng.
Năm 2023, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Song, Bộ trưởng nhấn mạnh trong năm 2024, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới về tư duy để triển khai nhiều nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn.
Bộ trưởng chỉ ra các từ khóa cho ngành văn hoá, thể thao, du lịch năm 2024 đó là “thể chế”, “sáng tạo”, “liên kết”, “tăng tốc” và “về đích”. Đây là nhiệm vụ của toàn ngành phải tiên phong thực hiện. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị nêu cao tinh thần quyết liệt hành động, kỷ cương, đề ra những giải pháp thiết thực để triển khai; chọn việc, chọn điểm, thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ; biết cách tạo nguồn nhân lực, vật lực trong triển khai thực hiện.
Thống nhất với các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ đã được nêu trong báo cáo tổng kết, Bộ trưởng nêu thêm một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Cần tập trung rà soát lại toàn bộ các thông tư đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Trong quá trình thực hiện phải có sự liên kết, chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện. Bộ trưởng cũng yêu cầu sử dụng ngân sách có hiệu quả nhất trên tinh thần tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và sẽ điều chỉnh ngân sách cho các đơn vị sử dụng có hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng làm sớm, chủ động, từ xa.
Gắn du lịch với văn hóa, điện ảnh để xúc tiến quảng bá, lan tỏa rộng rãi vẻ đẹp Việt Nam. Đồng thời, cần chú trọng quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; đảm bảo vấn đề chất lượng của các hoạt động quảng bá, ngoại giao văn hóa. Cần chủ động nghiên cứu các hoạt động đặc sắc, mang tính điểm nhấn để tạo hiệu ứng lan tỏa khi tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Về đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần nghiên cứu chương trình đào tạo theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng. Ngoài ra, tập trung triển khai Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Trích nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch