Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chúc mừng khai mạc lễ hội.
Đến dự, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Về phía tỉnh Thái Bình có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự khai mạc lễ hội.
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang tự, ở xã Duy Nhất (Vũ Thư) là 1 trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Thái Bình. Theo thần tích ghi lại: Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi ẩn nhẫn thuyết pháp giảng đạo, hộ quốc an dân. Thiền sư đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được nhà vua khai ân phong làm Quốc sư triều Lý. Năm Giáp Tuất (1094), đời vua Lý Nhân Tông, Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ viên tịch, hưởng thọ 79 tuổi. Năm 1167, vua Lý Anh Tông xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tưởng nhớ, tri ân công đức của Thiền sư. Năm 1611, trận đại hồng thủy đã cuốn trôi ngôi chùa. Chùa được khởi công xây dựng năm 1630 với 42 hiệp thợ tham gia. Sau 28 tháng, toàn bộ công trình hoàn thành trong niềm hân hoan của nhân dân. Chùa Keo xây dựng theo kiểu dáng nội công ngoại quốc, tiền Phật, hậu Thánh, hiện nay có 17 công trình với 128 gian. Năm 2017, lễ hội truyền thống chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng khai mạc lễ hội.
Thượng tọa Thích Thanh Hòa, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tặng hoa chúc mừng lễ hội.
Năm nay, lễ hội chùa Keo mùa thu được tổ chức ở quy mô cấp huyện, diễn ra trong 8 ngày, từ ngày từ ngày 12 - 19/10 (10 - 17/9 năm Giáp Thìn). Bên cạnh các nghi thức tế lễ cổ truyền như lễ khai chỉ, lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh còn có những nghi thức tế lễ được phục dựng, bảo lưu. Trong phần hội, vào tất cả các ngày lễ hội, kể cả buổi tối, khi về với lễ hội chùa Keo, du khách đều có thể hòa mình vào những hội thi, trò chơi, trò diễn dân gian. Ngoài ra, tại lễ hội chùa Keo còn có 130 gian hàng gồm các gian hàng thương mại, khu ẩm thực dân gian, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của các huyện, thành phố trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh trống khai hội.
Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đánh trống khai hội truyền thống.
Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo lễ hội trao tặng bức tranh chùa Keo tri ân các doanh nghiệp tài trợ cho lễ hội.
Tri ân các nhà tài trợ đóng góp vào thành công của lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay, Ban tổ chức lễ hội đã trao tặng các nhà tại trợ bức tranh chùa Keo. Trong chương trình khai mạc lễ hội, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã theo dõi chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi “Chùa Keo – linh thiêng nguồn cội”. Với bố cục 3 chương: Huyền tích chùa Keo, Hương đất tình người, Sáng mãi một miền quê, chương trình nghệ thuật không chỉ là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động diễn ra tại lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình; giới thiệu tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh, sinh thái, mời gọi các nhà đầu tư về với Thái Bình.
Chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi tái hiện cuộc đời của Đức Thiền sư Dương Không Lộ.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024.
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Bình