Hanhsilk – Người thổi hồn vào lụa Việt

30/06/2022
Nói đến tơ lụa của Việt Nam hiện nay hầu như ai cũng biết đến Lương Thanh Hạnh, một giám đốc trẻ với đam mê, khát vọng cháy bỏng khôi phục lại làng nghề dệt đũi Nam Cao.

Làng dệt đũi Nam Cao có từ khoảng 400 năm trước, nghe người dân trong làng kể rằng trước đây dân làng rất giàu do bán được nhiều hàng tơ lụa sang Thái Lan, Pháp và một số nước khác. Do chiến tranh và khủng hoảng kinh tế nên nghề truyền thống bị mai một. Hiện nay, cả làng chỉ còn khoảng vài trăm hộ còn theo nghề nhưng chủ yếu là người già. Có thời điểm làng đũi Nam Cao gần như đi vào bế tắc khi không tìm được hướng đi cho sản phẩm. Nhưng có một người với đam mê đối với nghề dệt đũi đã mang lại một nguồn “linh khí” mới cho người dân hợp tác xã Nam Cao, đó là Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Công ty Hanhsilk.

Mỗi sản phẩm của cô và người dân Nam Cao là sự kết tinh, là tình yêu cháy bỏng với nghề. Để tạo ra sản phẩm tốt nhất, cô và cộng sự đặc biệt chú trọng các công đoạn, từ trồng dâu, nuôi giống đến kéo đũi trong nước lạnh và dệt tỉ mỉ, chính xác trên từng mảnh vải. Cô đã lấy những con tằm tốt nhất của xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư để mang về làng dệt đũi Nam Cao, rồi kết hợp với những nghệ nhân tài ba với đôi bàn tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.

Các sản phẩm của Hanhsilk đa phần là những sản phẩm thô với nguyên liệu 100% đến từ tự nhiên như khăn mặt, khăn trải bàn và đồ nội thất,... Những sản phẩm này không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp,... Bên cạnh những sản phẩm thô là sản phẩm lụa, chủ yếu dùng trong may mặc. Tự nhận mình là người có duyên nợ với lụa đũi, sau nhiều năm lăn lộn, Lương Thanh Hạnh đã đưa thương hiệu lụa của Việt Nam lên một tầm cao mới và vực dậy Nam Cao trở thành làng nghề dệt phát triển bậc nhất miền Bắc hiện nay.

Nguyễn Huyền

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn