Các dịch vụ phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, siêu thị... từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách, bên cạnh đó với sự phát triển của nền kinh tế và sự tiến bộ xã hội,việc thu hút được các nhà đầu tư và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động du lịch càng giúp du lịch tỉnh nhà có những sắc màu rõ rệt. Việc huy động đa dạng các nguồn vốn phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ công tác phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên cho phát triển hạ tầng, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ du lịch.
Hình ảnh: Khách sạn Kim Long nâng cấp hạ tầng cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch
Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ phương tiện đường bộ, bến đậu phương tiện đường thủy, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đô thị, giao thông liên vùng, liên vùng, liên tỉnh có tính chiến lược, kết nối các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch như: Tuyến cao tốc (CT.08) Ninh Bình – Hải Phòng, tuyến cao tốc CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế ven biển – Khu đô thị Trà Giang và Thành phố Thái Bình; đường bộ ven biển, thành phố Thái Bình – cầu Nghìn, thành phố Thái Bình – cồn Vành; đường tỉnh ĐT.469 tuyến Thái Bình – Cồn Vành kết nối Thái Bình với khu vực lấn biển và xây dựng đại đô thị du lịch, nghỉ dưỡng ven biển phía Nam huyện Tiền Hải; hệ thống cầu vượt sông nối vùng và các tỉnh lân cận; đường cầu Hiệp kết nối với tỉnh Hải Dương, đường vành đai kết nối di tích lịch sử quốc gia chùa Keo, đường Quỳnh Côi kết nối di tích lịch sử đình, đền bến tượng A Sào.
Bên cạnh đó trong thời gian tới, tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao, các khu đô thị, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ; trong đó chú trọng phát triển tại các địa bàn Thành phố, huyện Thái Thuỵ, huyện Tiền Hải, khách sạn cao cấp 5 sao tại Khu phố biển Đồng Châu, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hải, Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe, các khu trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm quà tặng, lưu niệm, sản phẩm OCOP, đặc sản ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Tu bổ, tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, nâng cấp hệ thống công viên, quảng trường, nhà hát, sân vận động... tạo cảnh quan, hạ tầng kiến trúc đô thị đồng bộ, hiện đại tại các di tích, công trình trọng điểm như: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, Đền Đồng Bằng, Đền Tiên La, Đình - Đền - Bến Tượng A Sào, Đền, phủ thờ Bà chúa Muối, Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, công viên Kỳ Bá, công trình Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình…
Ngày 03/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình (khoá XX) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nhằm tạo động lực lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện; thu hút nguồn lực đầu tư, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; góp phần xây dựng diện mạo mới cho cảnh quan môi trường, đô thị, nếp sống văn minh trên địa bàn tỉnh và quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Thái Bình tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có du lịch Thái Bình luôn tin tưởng và chắc chắc sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, và sẽ là điểm nhấn trong chuỗi liên kết trong bản đồ du lịch của khu vực.
Phạm Yến