Cùng với quan điểm phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần có sự đồng thuận, tham gia tích cực của toàn xã hội; cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu quả của chính quyền, và việc phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Thái Bình đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhắc tới Thái Bình – mảnh đất hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trải nghiệm. Với lợi thế 53km đường bờ biển, cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, làng nghề phong phú , các lợi thế từng bước được phát huy hình thành một số khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm như: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo, Khu lăng mộ các vị vua triều Trần, khu du lịch sinh thái Cồn Đen, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, làng chạm bạc Đồng Xâm, làng nghề dệt đũi Nam Cao,…đã mở ra những định hướng mới cùng hòa nhập với sự phát triển chung của du lịch vùng, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.
Hình ảnh: Đêm Trung tâm thành phố Thái Bình (nguồn Ảnh đẹp Du lịch Thái Bình)
Đặc biệt, việc tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng, các địa phương có du lịch phát triển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, các tua, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách; xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng, đặc biệt tập trung liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên... được quan tâm chú trọng.Cụ thể là việc phối hợp với các tỉnh có thế mạnh về du lịch, các công ty, doanh nghiệp du lịch tổ chức hoạt động, sự kiện du lịch mang tầm cỡ cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp vùng, tổ chức các hội nghị, hội thảo, quảng bá xúc tiến đầu tư để phát triển thị trường khách nội địa, với các đại sứ quán, công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế để phát triển thị trường khách quốc tế. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng, tham gia và thụ hưởng các lợi ích từ các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.
Việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch, từ đó giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch mang đậm bản sắc, chất lượng, thân thiện và an toàn...
Phạm Yến