Vi vu Sáo Đền

27/05/2020
Tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Ðinh Lễ, vị tướng lĩnh tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Ðinh Lễ, vị tướng lĩnh tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn. Trong những năm chiến đấu, ông chỉ huy nghĩa quân đóng quân ở núi Tùng Lĩnh (Hà Tĩnh) kết hợp khai khẩn, trồng cấy ở bờ sông La Giang để tự cấp lương thực. Ðinh Lễ chỉ dẫn binh sĩ làm cánh diều cong như vành trăng khuyết, đục các bộ sáo với kích cỡ khác nhau rồi cùng binh sĩ thả diều. Với ý nghĩa thư khoan sức dân sau những cuộc kháng chiến, sau mỗi mùa màng cực nhọc, cuộc thi sáo diều Sáo Đền ở thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình) là địa điểm hội tụ hàng nghìn diều thủ khắp mọi miền tổ quốc về thi tài.

Sử chép, Đền Sáo hay còn gọi là Sáo Đền thờ Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (1460 - 1496) và  Tam vị quốc công Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là người có công lớn trong việc lập nên nhà Lê. Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao là cháu ngoại Quốc công Đinh Lễ, bà là vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của Vua Thánh Tông, một ông vua có thể nói là anh minh sáng suốt nhất trong tất cả các vị vua của triều đại nhà Lê.

Sau khi Quốc công Đinh Lễ qua đời, con cháu ông thường cho thả sáo diều tưởng nhớ đến ngày xưa ông vẫn thường cho quân binh thả diều để quên đi mệt nhọc khi vừa đánh giặc, vừa làm ruộng. Những ngày ấy, quanh vùng, ở xa hàng chục dặm, dân vẫn trông thấy, nghe thấy hàng trăm chiếc diều sáo đại bay tít trên trời cao.
Thời phong kiến, hội thi diều Sáo Đền là nghi thức quốc lễ, các quan viên của địa phương và triều đình phải có mặt đầy đủ để thực hiện. Việc tế lễ có ý nghĩa rất lớn trong đời sống cộng đồng, để cầu phúc, cầu may, cầu cho dân yên, nước thịnh, mùa màng sung túc, nhà nhà yên vui.


Các đội thi sáo diều của các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng... tập trung diều ở đền Mẫu tiến hành nghi lễ cầu phong.


Hội quán sáo diều Hà Nội mang đến Sáo Đền chiếc diều sáo trang trí bát tiên bắt mắt. 


Một chiếc sáo diều kích cỡ lớn được trình diễn tại ngày hội Sáo Đền.


Lễ rước diều trong ngày hội Sáo đền.

Quy trình đâm diều trong cuộc thi vượt câu liêm trong ngày hội Sáo Đền. 


Thả diều trong ngày hội.

Phần đông vui nhất trong ngày hội Sáo Đền là phần thi thả diều. Thành phần tham gia dự thi gồm các câu lạc bộ sáo diều đến từ các tỉnh thành Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cần Thơ…
Từ bao đời nay luật chơi hội sáo Đền không hề thay đổi. Nghĩa là người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây, Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác (hay lưỡi liềm) rất bén cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm. Khi nghe hồi trống lệnh nổi lên, các chủ diều chỉnh diều kéo căng dây và đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay. Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải.

Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng theo Quyết định số 4586/QĐ-BVHTTDL  ngày 20/12/2019./.

Nguồn: Hải Yến - Báo ảnh Việt Nam

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn